Cập nhật: 29/09/2023 08:10:00
Xem cỡ chữ

Hội chứng căng đau vai gáy là rối loạn cơ - xương thường gặp nhất mà ai cũng từng gặp phải, đặc biệt với những người làm việc với tư thế ngồi nhiều.

Hội chứng căng đau vai gáy thông thường không có gì nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng khó chịu cho người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Hội chứng căng đau vai gáy do đâu?

Nguyên nhân gây căng đau vai gáy rất đa dạng trong đó thường gặp là:

Hoạt động sai tư thế

Cột sống cổ làm nhiệm vụ rất quan trọng là nâng đỡ phần đầu trên cơ thể. Thường xuyên ngồi lâu một tư thế mà tư thế này không thẳng trục sinh lý là nguyên nhân khiến cột sống cổ bị mỏi. Trọng lực của đầu không được dàn đều và giảm lực qua các đốt sống cổ mà sẽ tập trung vào một vị trí, dẫn tới vị trí này dễ bị tổn thương, suy yếu hơn các đốt sống khác.

Các hoạt động sai tư thế khác gây hiện tượng đau mỏi vai gáy như ngủ gối đầu cao, dựa đầu vào ghế, ngủ gục mặt xuống bàn, nằm nghiêng co quắp… Tất cả đều dẫn tới một số cơ vùng vai gáy bị căng giãn hoặc chịu lực tì đè quá mức. Các tế bào cơ này sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng, thiếu oxy gây hiện tượng đau nhức.

Đột ngột quay cổ, với tay lên quá tầm… cũng là các vận động gây ảnh hưởng xấu tới vùng vai gáy.

Hội chứng căng đau vai gáy do đâu và cách phòng hiệu quả - Ảnh 1.

Khi lái xe, cần ngồi đúng tư thế, tránh ngả người quá mức ra trước hoặc sau để phòng căng đau vai gáy.

Mang vác nặng

Thường xuyên bưng bê, mang vác vật nặng trên vai là một lý do của đau mỏi vai gáy vì khi đó cần sử dụng cánh tay hoặc khớp vai nhiều với một lực chống đỡ lớn. Hoặc có nhiều người thường xuyên mang cặp hoặc đeo túi chéo lệch sang một bên vai. Những hành động đó có thể tạo áp lực lên lưng, vai cổ, làm cột sống bị trẹo sang một bên, gây nên tình trạng đau vai gáy.

Chấn thương vùng cổ hoặc vai gáy

Các chấn thương thể thao, các tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt… gây tổn thương xương, phần mềm hoặc dây chằng vùng vai. Đơn cử như cách tập luyện thể thao không phù hợp, thực hiện các động tác quá sức cũng có thể làm ảnh hưởng tới vùng này. Những tác động mạnh vào vùng cơ ở cổ và bả vai làm co cứng cơ, gây đau cấp tính.

- Nguyên nhân đau vai gáy bệnh lý

Đau vai gáy có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về cơ xương khớp. Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh lý này trong dân số ngày một gia tăng. Các bệnh lý gây đau vai gáy bao gồm: Bệnh lý cột sống cổ; Bệnh lý khớp vai; Bệnh lý thần kinh; Loãng xương, gãy xương; Thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết như sắt, canxi cũng có thể gây ra tình trạng tổn thương cơ xương khớp.

Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác như: Nhiễm lạnh, căng thẳng stress cơ thể có thể phản ứng lại gây hiện tượng co cứng cơ, đau đớn một số vùng trên cơ thể.

Hội chứng căng đau vai gáy do đâu và cách phòng hiệu quả - Ảnh 2.

Không bẻ cổ kêu răng rắc để phòng căng đau vai gáy.

8 cách phòng hội chứng căng đau vai gáy hiệu quả

Đau vai gáy có thể chủ động phòng ngừa được bằng cách loại bỏ hoặc hạn chế những hoạt động sinh hoạt hàng ngày gây tác động xấu tới vùng vai và cột sống cổ:

- Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.

- Cần giữ cổ luôn thẳng, tầm nhìn làm việc nên giữ ngang mắt, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu.

- Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay nằm xem tivi. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm, và nên có một vật đệm dưới gáy để cổ ngửa nhẹ.

- Không bẻ cổ kêu răng rắc, nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu và tin rằng làm như thế sẽ hết mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược.

- Nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp điện thoại giữa cổ và vai. Hạn chế cúi cổ xem điện thoại quá lâu, nên giữ cổ ở tư thế thẳng khi xem.

- Khi lái xe, cần ngồi đúng tư thế, tránh ngả người quá mức ra trước hoặc sau.

- Khi xem tivi nên ngồi dựa lưng, đầu hơi ngửa ra sau, cổ tựa vào vật đệm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.

- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hoặc tối thiểu là tập thể dục giữa giờ, áp dụng các động tác trong bài tập vận động cột sống cổ để tăng khả năng chịu đựng, tăng sức dẻo dai của hệ thống gân cơ, dây chằng quanh cột sống.

Theo BS. Nguyễn Hoàng Lan/suckhoedoisong.vn - 28/09/2023

 https://suckhoedoisong.vn/8-cach-phong-hoi-chung-cang-dau-vai-gay-hieu-qua-169230927190402123.htm