Thành phố Phú Quốc đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định nhiệm vụ: Tập trung xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, nhất là thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại và trở thành điểm nhấn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Theo UBND thành phố Phú Quốc, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm trên đảo, từ đó một số công trình, dự án lớn đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng biển quốc tế An Thới; Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc; Dự án Điện cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; Dự án đường dây tải điện 220kV Kiên Bình - Phú Quốc; đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc (có chiều dài 51,5 km); đường vòng quanh đảo Phú Quốc (có chiều dài 99,5 km).
Hiện nay, Phú Quốc đang tiếp tục triển khai các dự án như Dự án Cảng hành khách quốc tế Dương Đông; Cảng hang không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2, một số tuyến đường nhánh và đường trục trung tâm giai đoạn 3 trong khu du lịch phức hợp Bãi Trường… Phú Quốc cũng đang phối hợp chuẩn bị thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải thứ hai, Dự án hồ nước Cửa Cạn; nâng cấp cảng du lịch Bãi Vòng; đường dây 110kv Phú Quốc - Nam Phú Quốc; đường dây 110kv Phú Quốc - Bắc Phú Quốc; Quảng trường - tượng đài Bác Hồ...
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, hiện nay thành phố Phú Quốc thu hút 318 dự án đầu tư còn hiệu lực với diện tích sử dụng khoảng 10.676,94 ha, trong đó có 52 dự án đã đưa vào hoạt động với diện tích 1.182,74 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 17.389 tỷ đồng.
Nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đẳng cấp của các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, BIMgroup, CEOgroup… đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, tiêu biểu như Vườn thú Safari, Công viên chủ đề VinWonders, "Thành phố không ngủ" Grand World, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, cùng hệ thống các khu nghỉ dương cao cấp với hơn 24.000 phòng, trong đó có 26 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao với 11.252 phòng.
Thành phố Phú Quốc đã chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá cho Phú Quốc để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho “Đảo Ngọc” phát triển.
Sau đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch Phú Quốc đã phục hồi và có những chuyển biến tích cực; các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, lễ hội… tại các khu, điểm du lịch thường xuyên được tổ chức phục vụ tốt cho du khách. Lượng khách đến Phú Quốc giai đoạn 2018 - 2022 ước đạt 9.179.543 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.868.562 lượt.
Trong 6 tháng năm 2023, lượng khách đến Phú Quốc đạt 1.242.051 lượt (đạt bằng 98,97% so cùng kỳ, đạt 49,68% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế ước đạt trên 18.000 lượt (đạt 25,28% kế hoạch năm). Ngành du lịch Phú Quốc tiếp tục đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tuy nhiên, theo UBND Thành phố Phú Quốc, ngành du lịch Phú Quốc còn một số khó khăn nhất định như công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Phú Quốc đến các nước còn hạn chế; lượng chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc và chiều ngược lại còn ít và chưa đều đặn; chất lượng phục vụ của một số cơ sở du lịch, dịch vụ đôi lúc chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế. Vấn đề an ninh trật tự, môi trường, giá cả, thời tiết… còn diễn biến thất thường phần nào tác động đến hoạt động du lịch tại địa phương; tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn thành phố còn chậm...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài và nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình đầu tư Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai dự án đầu tư tại Phú Quốc. Bên cạnh các quyết sách của cả hệ thống chính trị thì sự đồng hành của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của "Đảo Ngọc" Phú Quốc.
UBND thành phố Phú Quốc cho biết, hiện nay, Phú Quốc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040. Trước mắt, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng thành phố Phú Quốc thành Trung tâm dịch vụ dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, với 3 trụ cột chính, gồm công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển.
Để thúc đẩy phát triển các trụ cột này, Phú Quốc tiếp tục huy động các nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, các hình thức huy động vốn đầu tư để tiếp tục đầu tư phát triển “Đảo Ngọc”.
Theo đó, Phú Quốc tập trung đầu tư giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa… Cụ thể là xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, các tuyến đường trong nội ô đô thị, đường nhánh; khai thác hiệu quả Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng quốc tế An Thới, Cảng Vịnh Đầm, đầu tư mở rộng Cảng Bãi Vòng, kêu gọi đầu tư Cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ.
Trong lĩnh vực du lịch, Phú Quốc tiếp tục tập trung phát triển du lịch, thương mại và các ngành dịch vụ, xây dựng thương hiệu Du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo riêng của Phú Quốc, thân thiện môi trường.
UBND thành phố Phú Quốc cho biết, Phú Quốc khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… xây dựng, mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các vùng trong nước, khu vực và thế giới. Phú Quốc nâng cao năng lực vận chuyển hành khách đường hàng không và đường thủy, kiến nghị mở các đường bay nội địa và quốc tế phù hợp, phát triển phương tiện giao thông công cộng phù hợp điều kiện môi trường đảo, xây dựng thành phố Phú Quốc là điểm đến an toàn về an ninh trật tự để phát triển du lịch.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho rằng, để duy trì sức hấp dẫn vốn có và tạo được một hệ sinh thái kết hợp hài hòa bản sắc địa phương và hoạt động khai thác du lịch, Phú Quốc cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bền vững, cân nhắc đặc trưng văn hóa và môi trường cộng đồng từ giai đoạn hoạch định.
Ngoài ra, để có thể trở thành một điểm đến cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế, Phú Quốc cần cải thiện kết nối giao thông, hạ tầng cơ sở cũng như có chiến lược truyền thông, quảng bá hiệu quả hơn. Quá trình này cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương, tổ chức và doanh nghiệp trong ngành nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Phú Quốc.
Nhằm phát huy các thế mạnh và giải quyết các khó khăn hạn chế trong đầu tư, phát triển du lịch của địa phương, lãnh đạo UBND thành phố Phú Quốc kiến nghị Trung ương, tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và sớm hoàn thành các công trình, dự án trên địa bàn Phú Quốc, nhất là công trình, dự án trọng điểm như: Cảng Hành khách quốc tế Dương Đông; Dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc…
Đồng thời, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát các dự án đầu tư; kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ thực hiện, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư; chú trọng đầu tư các dự án theo hướng giảm bê tông hóa, sử dụng vật liệu, kiến trúc thân thiện với môi trường, gắn với điều kiện tự nhiên, văn hóa của đảo; tổ chức các hội thảo, giao lưu, kết nối du lịch - thương mại quốc tế tại Phú Quốc; kết nối lại, mở rộng thêm các tuyến bay quốc tế đến Phú Quốc và ngược lại.
Mặt khác, các cơ quan Trung ương và tỉnh Kiên Giang cũng cần tiếp tục quan tâm tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc; tập trung kêu gọi, thu hút các dự án, mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng năng thế mạnh về du lịch đến Phú Quốc.
Theo Anh Tuấn - Lê Huy Hải (TTXVN) - 25/09/2023
https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/da-dang-nguon-luc-dau-tu-de-du-lich-phu-quoc-phat-trien-ben-vung-20230925145243375.htm