Cập nhật: 30/09/2023 15:25:00
Xem cỡ chữ

Quốc hội Mỹ đang chạy đua với thời gian để tránh cho nước Mỹ khỏi nguy cơ phải đóng cửa Chính phủ vào ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị quá lớn tại Quốc hội đang cản trở các bên đạt được thỏa thuận.

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang tìm cách thỏa hiệp nhằm thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách hằng năm để có kinh phí cho chính phủ hoạt động trong tài khóa mới. Trong nỗ lực nhằm tránh cho Chính phủ phải đóng cửa, hôm qua (29/9) Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua 3 trong 4 dự luật liên quan đến phân bổ ngân sách cho tài khóa năm 2024. Hạ viện cũng đã thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá 300 triệu USD cho Ukraine sau khi nó bị tách riêng ra khỏi dự luật quốc phòng, do sự phản đối của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Như vậy, tính đến nay, Hạ viện đã thông qua tổng cộng 4 trong 12 dự luật ngân sách, gồm một dự luật cho việc xây dựng quân sự và các vấn đề cựu binh hồi tháng 7. Trong khi đó, Thượng viện chưa thông qua bất kỳ dự luật nào. Tình thế này cho thấy hai bên còn quá nhiều việc phải làm trong khi thời gian đang cạn dần.

quoc hoi my chay dua voi thoi gian truoc han chot phai dong cua chinh phu hinh anh 1

Ảnh minh họa: Reuters

Phát biểu trước báo giới hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết, thời gian là quá gấp trong khi số lượng dự luật phải thông qua là quá nhiều. Trước mắt, ông sẽ đề xuất Hạ viện bỏ phiếu cho nghị quyết duy trì, giúp cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ hoạt động thêm một thời gian.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc, thông qua việc cố gắng tìm cách thoát khỏi chuyện này. Tôi tin chắc rằng không có người chiến thắng trong việc chính phủ đóng cửa và tôi nghĩ cách tốt nhất để tiến về  phía trước là đảm bảo chính phủ không đóng cửa”.

Ngay sau tuyên bố của Hạ viện, Thượng viện cũng đã thông qua dự luật gia hạn chi tiêu liên bang cho đến ngày 17/11, qua đó các bên sẽ có thêm thời gian đàm phán về các dự luật ngân sách cho cả năm.

Bất đồng liên quan đến vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ đang đẩy nước Mỹ đến nguy cơ gián đoạn chi trả cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành... Trường hợp xấu nhất khi không có thỏa thuận nào được thông qua trước khi bắt đầu tài khóa 2024 (từ ngày 1/10/2023 - ngày 30/10/2024), Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động cho tới khi dự luật ngân sách cho năm tới được thông qua. 

Trước nguy cơ này, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi các nghị sĩ hành động: “Nếu Hạ viện không thực hiện được chức năng cơ bản nhất của mình, nếu Hạ viện không tài trợ cho chính phủ vào ngày mai, thì toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, của quân đội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là điều không được phép xảy ra”.

Từ năm 1981 đến nay, Chính phủ Mỹ đã 14 lần bị đóng cửa, có lần chỉ kéo dài 1 đến 2 ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 35 ngày dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump do bất đồng về chi tiêu cho an ninh biên giới.

Theo Hồng Nhung/VOV1 - 30/09/2023

Tổng hợp

 https://vov.vn/the-gioi/quoc-hoi-my-chay-dua-voi-thoi-gian-truoc-han-chot-phai-dong-cua-chinh-phu-post1049475.vov