Vảy nến là một bệnh da mạn tính thường gặp, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn song có thể điều trị để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, nhiều người mắc vảy nến đã nghe theo lời mách bảo trên mạng chữa bệnh khiến tình trạng nặng lên. Vậy bệnh vảy nến chữa thế nào?
Đau đớn, mưng mủ khắp người vì tự chữa vảy nến
Mắc bệnh vảy nến hơn 10 năm qua, gần đây bệnh nhân N.T.S (40 tuổi, quê Hải Dương) đã mua thuốc lá, thuốc tiêm vào bắp tay theo mách bảo trên mạng dẫn đến tình trạng bệnh tăng nặng.
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân tìm gặp bác sĩ trong tình trạng đau đớn với những mảng vảy khắp người, đỏ ửng, bong tróc và mưng mủ, thậm chí 2 mắt chị không thể mở nổi.
Bác sĩ cho biết, thuốc tiêm bệnh nhân dùng có thành phần corticoid - là thuốc chống chỉ định điều trị vảy nến. Sau 3 lần tiêm, tình trạng bệnh không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn, chuyển từ vảy nến thể mảng sang vảy thể mủ toàn thân.
Tổn thương khi mắc bệnh vảy nến của chị N.T.S (40 tuổi, quê Hải Dương) khi tìm gặp bác sĩ.
"Corticoid có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch. Corticoid đường bôi là một trong những chỉ định đầu tay trong điều trị vảy nến. Tuy nhiên, corticoid đường toàn thân (tiêm hoặc uống…) lại là chống chỉ định trong điều trị vảy nến vì gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, đồng thời cũng làm bệnh bùng phát nặng hơn sau khi ngưng sử dụng" - chuyên gia này cho biết.
Thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành sử dụng những thuốc chống viêm, dưỡng ẩm kết hợp với những thuốc đặc trị dành cho vảy nến thể mủ để giảm tình trạng viêm, mưng mủ. Sau đó sẽ kết hợp với phương pháp điều trị bằng quang trị liệu để giúp bệnh nhân giảm hẳn tình trạng viêm đỏ mủ như hiện tại.
Qua một tuần điều trị, tình trạng mưng mủ của bệnh nhân đã thuyên giảm, nhưng để điều trị ổn định cần một thời gian dài theo dõi và đưa ra phác đồ phù hợp cho từng giai đoạn.
Bệnh vảy nến chữa thế nào?
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống bệnh vảy nến. Đó là chưa kể, đắp các loại lá, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc đi khi thuốc chống chỉ định… dễ làm kích ứng khiến bệnh nhân khó chịu, bùng phát bệnh nặng hơn.
Theo các bác sĩ, mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vẩy nến. Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng.
Thuốc bôi tại chỗ chứa thành phần corticosteroid, retinoid, acid salicylic, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị.
Trường hợp vảy nến nặng hơn (những tổn thương nghiêm trọng hoặc nhiều tổn thương), có thể cân nhắc điều trị bằng các thuốc đường toàn thân như methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay các thuốc sinh học. Trong một số trường hợp, quang trị liệu (sử dụng tia UVA, UVB, laser) cũng được áp dụng điều trị hiệu quả bệnh vảy nến.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân vảy nến.
Lưu ý trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của người bệnh vảy nến
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh vảy nến. Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten,… Hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
"Đến nay vảy nến được gọi là bệnh mạn tính, việc điều trị cần quản lý suốt đời. Đặc biệt vảy nến là bệnh da liễu, xuất hiện tổn thương ngoài da, hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác nên có thể yên tâm tiếp xúc, chăm sóc và sinh hoạt với bệnh nhân mà không sợ bị lây bệnh"- BS. Tiến Thành khuyến cáo thêm.
BS. Thành cũng nhấn mạnh, bệnh nhân vảy nến không được tự ý dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc chứa thành phần corticoid), phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và thường xuyên đến tái khám theo hẹn. Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng. Bệnh nhân cần giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần, ít nhất 3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da. Trẻ bị bệnh vảy nến cũng cần tránh cào gãi, chà xát tổn thương da vì có thể làm nặng bệnh thêm.
Bệnh vảy nến có chữa khỏi hoàn toàn không?
Bệnh vảy nến có liên quan đến yếu tố gen và rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát.
Theo BS. Tiến Thành, nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Hiện có nhiều phương pháp khống chế, quản lý bệnh này. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Theo Khánh Mai/suckhoedoisong.vn - 09/10/2023
https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-cach-kiem-soat-benh-vay-nen-169231008083811935.htm