Cập nhật: 19/10/2023 15:35:00
Xem cỡ chữ

Điểm yếu "chí mạng" của Đội tuyển Việt Nam vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua và một lần nữa được phơi bày trong loạt giao hữu FIFA Days tháng Mười đó là sự thiếu hiệu quả trong khâu dứt điểm.

Những tiền đạo của Đội tuyển Việt Nam như Văn Tùng (áo đỏ) chưa đạt hiệu quả cao trong các tình huống dứt điểm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Những tiền đạo của Đội tuyển Việt Nam như Văn Tùng (áo đỏ) chưa đạt hiệu quả cao trong các tình huống dứt điểm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Đội tuyển Việt Nam (hiện xếp hạng 95 thế giới) đã khép lại loạt trận giao hữu FIFA Days tháng Mười với ba trận toàn thua, để thủng lưới 10 lần và không ghi được bàn thắng nào trước các đối thủ lần lượt là Đội tuyển Trung Quốc (xếp hạng 80), Uzbekistan (xếp hạng 75) và Hàn Quốc (xếp hạng 26).

Đối đầu với những đội tuyển có đẳng cấp cao ở khu vực châu Á với độ khó tăng dần, thất bại là điều có thể dự đoán trước với đoàn quân của Huấn luyện viên Philippe Troussier. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng xác định mục tiêu của Đội tuyển Việt Nam trong đợt FIFA Days là tăng tính gắn kết trong cách vận hành chiến thuật đồng thời giúp các cầu thủ trẻ nâng cao năng lực, tích lũy thêm được kinh nghiệm nhằm phục vụ cho các mục tiêu lớn trong tương lai.

Đánh giá về màn thể hiện của "Những chiến binh sao Vàng" trong ba trận giao hữu với những đối thủ mạnh, Chuyên gia Bóng đá Phan Anh Tú ấn tượng khi các cầu thủ Việt Nam đang dần nâng cao chất lượng chơi bóng.

"Qua những trận đấu với các đối thủ có độ khó tăng dần, các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam đã tiến bộ qua từng trận sau khi đã làm quen với triết lý bóng đá kiểm soát của Huấn luyện viên Troussier. Tuyển Việt Nam đã thi đấu cố gắng và nâng cao được chất lượng chơi bóng, tự tin kiểm soát bóng trước vòng vây của những đối thủ có thể hình vượt trội. Trước những đội bóng mạnh của châu lục, Tuyển Việt Nam đã tạo được những cơ hội ăn bàn rõ ràng, đặc biệt ở trận đấu đầu tiên với Trung Quốc, Việt Nam có thế trận tốt và nếu tận dụng thành công những cơ hội của Tuấn Hải hoặc Hùng Dũng, kết quả trận đấu đã có thể khả quan hơn," nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhận định.

Dù phải đối đầu với những "liều thuốc thử" cực mạnh của châu lục nhưng theo chuyên gia Phan Anh Tú, vẫn có những điểm sáng trong lối chơi của Đội tuyển Việt Nam khi các cầu thủ có những phút giây thi đấu khá tự tin, sẵn sàng phối hợp nhỏ và phô diễn kỹ thuật khi bị đối phương pressing.

Chuyen gia Phan Anh Tu chi ra diem yeu 'chi mang' cua Tuyen Viet Nam hinh anh 1

Trung vệ Đỗ Duy Mạnh là một trong những cầu thủ thi đấu tốt nhất của Đội tuyển Việt Nam trong ba trận giao hữu vừa qua. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Một trong những cầu thủ gây ấn tượng với tôi là trung vệ Duy Mạnh. Trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn, Duy Mạnh có lối chơi đầy tỉnh táo để chỉ huy hàng phòng ngự của Tuyển Việt Nam, xử lý tốt các tình huống có sức ép lớn từ đội bạn để tung ra những đường chuyền tốt cho đồng đội. Bên cạnh đó, Tuấn Anh cũng là một điểm sáng khi tiền vệ này thể hiện được khả năng giữ bóng tốt, thoát pressing tốt và tranh chấp dũng mãnh với những đối thủ có đẳng cấp cao," chuyên gia Phan Anh Tú nhận xét.

Tuy nhiên ông Tú, điểm yếu "chí mạng" của Đội tuyển Việt Nam vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua và một lần nữa được phơi bày trong loạt giao hữu FIFA Days tháng Mười đó là sự thiếu hiệu quả trong khâu dứt điểm để chuyển hóa những cơ hội thành bàn thắng.

"Ở trận gặp Trung Quốc, các cầu thủ đã có nhiều thời điểm làm chủ nhịp điệu trận đấu với khả năng kiểm soát và luân chuyển bóng tốt, tuy nhiên khi có cơ hội thì hàng công của chúng ta lại không thể tận dụng. Tình trạng tương tự lặp lại ở trận đấu với Hàn Quốc, khi các cơ hội ăn bàn rõ ràng của Tiến Anh, Đình Bắc hay Khuất Văn Khang bị lãng phí một cách đáng tiếc. Nhiều tình huống Tuyển Việt Nam dứt điểm thiếu lực, các cầu thủ sút bóng vội vàng và không có độ chính xác cao. Tuy tiến bộ về mặt kiểm soát bóng, nhưng dứt điểm có thể được xem là căn bệnh cố hữu của Tuyển Việt Nam," chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá.

Cũng theo chuyên gia Phan Anh Tú, điểm yếu dứt điểm còn có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược với Đội tuyển Việt Nam: khi không thể tận dụng các cơ hội để chuyển hóa thành bàn thắng, đoàn quân của Huấn luyện viên Philippe Troussier có thể dính đòn phản công của đối phương và phải nhận những bàn thua đáng tiếc.

Tuy đã bắt được "bệnh" nhưng theo chuyên gia Phan Anh Tú, để chữa "căn bệnh" dứt điểm vẫn đang là một bài toán khó, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều nguồn lực gồm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF, hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp cũng như hệ thống đào tạo của các câu lạc bộ tại Việt Nam.

Chuyen gia Phan Anh Tu chi ra diem yeu 'chi mang' cua Tuyen Viet Nam hinh anh 2

Nguyễn Đình Bắc (số 15) và Khuất Văn Khang là những cầu thủ trẻ được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội thi đấu ở mùa giải 2023/24. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Đội tuyển Việt Nam thiếu tiền đạo giỏi để có thể chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng. Để các tiền đạo nội đạt được độ chuẩn xác và hiểm hóc trong những pha dứt điểm đòi hỏi nhiều công sức luyện tập và được đào tạo, thi đấu ở những môi trường có chất lượng tốt. Trong nhiệm vụ đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đóng vai trò quan trọng để giúp các cầu thủ có thêm nhiều cơ hội thi đấu quốc tế với các đội tuyển mạnh. Ngoài ra, các câu lạc bộ cũng cần chú trọng hệ thống đào tạo trẻ, giúp các tiền đạo nội phát triển và được thi đấu nhiều ở các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước và quốc tế," nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhấn mạnh.

Kết thúc loạt trận giao hữu với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, Đội tuyển Việt Nam sẽ có gần một tháng để chuẩn bị hướng tới chiến dịch Vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào tháng 11 tới. Theo kế hoạch, đoàn quân của Huấn luyện viên Philippe Troussier sẽ có chuyến làm khách trên sân của Đội tuyển Philippines (16/11), trước khi trở về sân nhà Mỹ Đình để tiếp đón Đội tuyển Iraq (21/11)./.

Theo (Vietnam+) - 19/10/2023

https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-phan-anh-tu-chi-ra-diem-yeu-chi-mang-cua-tuyen-viet-nam/903071.vnp