Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm theo đạo Balamôn, Lễ hội Katê - diễn ra từ cuối tháng Sáu và kéo dài đến giữa tháng Bảy Chăm lịch - là dịp để Bình Thuận thu hút khách du lịch.
Nghi lễ Nghinh rước y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Katê là Lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.
Lễ hội Katê ở Bình Thuận - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm Bàlamôn, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng, bảo bọc và chở che cho con cháu được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc…
Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội Katê diễn ra hằng năm (từ cuối tháng Sáu và kéo dài đến giữa tháng Bảy Chăm lịch) trong một không gian rộng lớn theo nghi thức truyền thống. Lễ hội Katê diễn ra trước tiên tại các đền, tháp, sau đó đến các làng Chăm, gia đình các vị sư cả, chức sắc và các gia đình người Chăm Bàlamôn.
Lễ hội thường được bắt đầu bằng các hoạt động từ các đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón Tết tại nhà. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.
Vừa qua, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận đã diễn ra tại tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết trong hai ngày 13-14/10.
Nghi thức quan trọng nhất của Lễ hội là Lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của Nữ thần diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc. Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi Tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển trong tiếng trống Para nưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt.
Nghi lễ rước y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên nhóm đền tháp chính Pô Sah Inư trong Lễ hội Katê 2022. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp nối là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga-Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính.
Phần hội của Lễ hội Katê năm nay diễn ra sôi nổi với các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi trưng bày và trang trí lễ vật, thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật.
Lễ hội là nơi thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.
So với các lễ hội khác trong tỉnh, Lễ hội Katê có quy mô lớn, kéo dài ngày, diễn ra ở nhiều không gian và thời gian khác nhau, đối tượng tham gia lễ hội khá đa dạng, không chỉ cộng đồng người Chăm (người Chăm theo đạo Bàlamôn và người Chăm theo đạo Bàni) trong và ngoài tỉnh mà còn có sự tham gia của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống lân cận như: Kinh, Raglai, Cờho, Hoa, Tày, Nùng... và du khách.
Lễ hội Katê là một trong 5 lễ hội đặc sắc của tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục các Lễ hội Tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt, ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-VHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Bình Thuận có hơn 40.000 người Chăm sinh sống. Đồng bào nơi đây luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Katê.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm, từ lâu, Lễ hội Katê là dịp để Bình Thuận thu hút khách tham quan, du lịch và trở thành sân chơi của người dân địa phương, nhất là các hoạt động trong phần hội.
Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận khẳng định Katê không chỉ là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu, gắn với tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào Chăm mà còn góp phần vào việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giá trị và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm đến với du khách, thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch.
Trình diễn làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm tại Lễ hội Katê 2023. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Đề án triển khai bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm; đồng thời hướng đến đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước.
Để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong công tác quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về ý nghĩa, giá trị và nét đặc sắc của Lễ hội, địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho các hoạt động tu bổ, tôn tạo các đền, tháp và cải tạo môi trường cảnh quan, không gian các đền, tháp, nhà làng đảm bảo xanh, sạch, đẹp…
Ban Tổ chức Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết) và các địa phương khác tăng cường kết nối, gửi chi tiết lễ hội cho các công ty lữ hành để quảng bá và đưa vào chương trình tham quan; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút du khách.
Các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân, trí thức, bậc cao niên người Chăm có am hiểu và nắm giữ vốn văn hóa hi vật thể nói chung và Lễ hội Katê nói riêng quan tâm, chú trọng đến việc thường xuyên trao truyền, hướng dẫn cách thức thực hành các nghi lễ trong Lễ hội cho thế hệ trẻ để tạo sự kết nối trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội, tránh nguy cơ bị thất truyền hay mai một trong tương lai./.
Theo (Vietnam+) - 18/10/2023
https://www.vietnamplus.vn/dua-le-hoi-kate-tro-thanh-san-pham-du-lich-dac-sac-cua-binh-thuan/902874.vnp