Cập nhật: 27/10/2023 13:35:00
Xem cỡ chữ

Theo thông tin khai thác ban đầu, bệnh nhân chấn thương do bị chém. Qua khám và kiểm tra, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc mất máu do vết thương mạch máu thần kinh lớn vùng khoeo chân.

Bệnh nhân nam, 32 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng sốc mất máu, da nhợt trắng, mạch nhanh, huyết áp 60/40 mmHg, chân nhợt trắng không bắt được mạch mu chân và mạch ống gót, do vết thương vùng khoeo chân.

Theo thông tin khai thác ban đầu, bệnh nhân chấn thương do bị chém. Qua khám và kiểm tra, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc mất máu do vết thương mạch máu thần kinh lớn vùng khoeo chân.

Bệnh nhân được cấp cứu hồi sức băng ép, nẹp cố định đùi cẳng chân và đẩy thẳng phòng mổ theo quy trình báo động đỏ. Ngay lập tức, 2 kíp bác sĩ chuyên khoa được điều động. Kíp thứ nhất do BS Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp tiến hành nối mạch máu.

Trong mổ, các bác sĩ nhận định đây là một vết thương rất phức tạp, diện vết thương mặt sau khoeo chân chiếm gần hết chu vi khoeo chân, đứt hoàn toàn bó mạch thần kinh vùng khoeo chân, chỏm xương mác và toàn bộ khối cơ mặt sau khoeo và 1/3 trên cẳng chân.

Kíp chấn thương do BS Vũ Mạnh Linh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành nối thần kinh, gân, cơ xương.

Tại cuộc mổ, kíp bác sĩ đã tiến hành khâu nối phục hồi động tĩnh mạch khoeo chân, nối thần kinh mác chung, thần kinh chày và toàn bộ khối gân cơ vùng cẳng chân, cùng với đó tiến hành mở khoang cẳng chân.

Trước và trong mổ, các bác sĩ đã phải truyền 3 lít máu để hồi sức và phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ.

Sau mổ, bàn chân bệnh nhân hồng ấm, mạch mu chân, mạch ống gót bắt rõ. Sau mổ ngày thứ 3 bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt đã thoát sốc, đầu chi hồng ấm còn tê bì cẳng chân, do vết thương ở mỏm cụt bị nham nhở và dập nát nên phải mất thời gian dài điều trị 2-4 tuần.

Hà Nội: Người đàn ông bị chém gần đứt rời cẳng chân, sốc mất máu - 1

BS Vũ Mạnh Linh cùng các đồng nghiệp phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

BS Nguyễn Văn Lâm, người trực tiếp nối mạch máu cho bệnh nhân, cho biết: "Vấn đề nặng nhất của bệnh nhân không phải là chân bị đứt lìa, mà chính là tình trạng mất máu rất nặng dẫn tới sốc mất máu.

Nếu không được cấp cứu, sơ cứu ban đầu tốt và phần chi thể không được cấp máu quá 6 tiếng sẽ nguy cơ cắt cụt chi cao ảnh hưởng tới sức lao động và sinh hoạt sau này".

Vết thương mạch máu lớn sẽ lấy đi tính mạng người bệnh nếu không được sơ cấp cứu và phẫu thuật kịp thời. Cứu được mạng người và cứu được chân là cả vấn đề lớn.

May mắn cho bệnh nhân là tai nạn gần viện, được cấp cứu kịp thời và đẩy thẳng phòng mổ, kích hoạt báo động đỏ để các bác sĩ hiệp đồng cứu sống người bệnh.

"Tai nạn sinh hoạt thường xảy ra sau những mâu thuẫn trong cuộc sống và khoa Cấp cứu thường xuyên tiếp nhận những trường hợp như bệnh nhân này trong các tua trực", BS Lâm cho biết thêm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc bảo quản phần chi đứt rời trước khi được cấp cứu là rất quan trọng.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn, cần bình tĩnh gói phần chi bị đứt bằng gạc vô trùng. Trong trường hợp không có gạc y tế thì có thể cho vào khăn mặt thật sạch.

Sau đó, dùng túi nilon sạch bọc lại. Nếu có thể, thả túi nilon có chứa chi vào trong nước đá (cả nước và đá) sau đó đem đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo dantri.com.vn - 27/10/2023

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nguoi-dan-ong-bi-chem-gan-dut-roi-cang-chan-soc-mat-mau-20231027083017637.htm