Cập nhật: 08/11/2023 07:36:00
Xem cỡ chữ

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 22-26/11 với nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó cộng đồng.

Lan toa tinh than dai doan ket, huong ve coi nguon dan toc Viet Nam hinh anh 1

Biểu diễn điệu múa khèn của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN)

Các hoạt động với chủ đề “Đại đoàn kết-Cội nguồn dân tộc” sẽ diễn ra suốt tháng 11/2023 tại Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam.

Đây là chuỗi hoạt động góp phần phong phú Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” năm nay, đồng thời tạo điểm đến, thu hút du khách tới Làng.

Hoạt động điểm nhấn sẽ diễn ra tại các làng dân tộc, tôn vinh sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.

Các làng dân tộc gần nhau cùng gắn kết chung trong một không gian nhằm phát huy nội lực, tạo thành một khối sắc màu đa dạng. 

Cụ thể, với không gian văn hóa của dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội) có nét dân ca dân vũ đặc trưng như Đàn Tính, Hát Then của dân tộc Tày, Nùng; Múa Khèn của dân tộc Mông.

Họ có không gian thuận lợi để tái hiện, tổ chức dân ca dân vũ, trò chơi dân gian như kéo co, ném pao, đi cà kheo, bập bênh, tương tác với du khách...

Tại làng dân tộc Thái, Khơ Mú có cảnh quan đẹp, giàu truyền thống văn hóa với xòe Thái, ném còn, các điệu múa truyền thống.

Những món ăn ẩm thực của hai làng dân tộc đều mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng, được chế biến công phu, độc đáo. Ẩm thực cũng được xem là cách truyền tải nét văn hóa dân tộc hữu hiệu nhất.

Cùng với đó là các hoạt động tại khu làng Tây Nguyên với phần trình diễn nhạc cụ truyền thống, trò chơi dân gian kết nối du khách và cộng đồng các dân tộc nhằm tăng thêm tinh thần giao lưu, học hỏi, đoàn kết cùng phát triển.

Tại làng Nam Bộ sẽ là phần trình diễn đậm sắc màu văn hóa của các nhóm đồng bào, trong đó có dân tộc Khmer (Sóc Trăng), giới thiệu nét di sản văn hóa nghệ thuật Rô-băm; các điệu Zom-vông, Lâm-lêu; trang phục truyền thống, nghề thủ công, kết hợp với tín ngưỡng Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.

Các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng tăng cường thực hiện hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian gắn kết với du khách; đặc biệt là chương trình giao lưu “Bài ca kết đoàn.”

Lan toa tinh than dai doan ket, huong ve coi nguon dan toc Viet Nam hinh anh 2

Tiết mục múa mừng lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN)

Trong tháng 11/2023, Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” từ ngày 22-26/11.

Trong đó phải kể đến chương trình nghệ thuật khai mạc; Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và Du lịch các Dân tộc Việt Nam lần thứ 2; Sắc màu di sản văn hóa, lễ hội, du lịch; Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”...

Cũng trong tháng 11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam diễn ra Đại lễ Dâng y Kathina tại quần thể chùa Khmer. Đây là một nghi thức duy trì hàng năm của Phật giáo từ thời Đức Phật còn tại thế.

Với những người dân theo Phật giáo nguyên thủy, Lễ Dâng y Kathina thể hiện thiện tâm của phật tử với việc hộ trì tăng đoàn, tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia./.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+) - 03/11/2023

https://www.vietnamplus.vn/lan-toa-tinh-than-dai-doan-ket-huong-ve-coi-nguon-dan-toc-viet-nam/905764.vnp