Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, cùng với sự nỗ lực của người dân, đến nay các bản làng Lai Châu đã trở thành điểm đến thân thiện với đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Đến với các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu như bản Sin Suối Hồ, du khách sẽ thấy các đội văn nghệ tích cực học tập những điệu múa, bài hát, giữ nếp văn hóa và truyền thống của người dân bản địa để biểu diễn và phục vụ khách. "Năm nay nhà tôi là nhà đầu tiên được tu sửa lại. Chúng tôi cũng mong muốn làm du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng, để cho gia đình có một phần thu nhập", một người dân chia sẻ.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu chú trọng bảo tồn, phát huy các nét văn hoá dân tộc độc đáo
Có thể thấy, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, giờ đây, bà con dân tộc thiểu số đã ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu - bản của đồng bào người Giáy nhiều năm nay đã trở thành điểm đến yêu thích với mỗi du khách khi có dịp đến Lai Châu, bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công gắn với ẩm thực văn hóa. Đặc biệt, đến với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, ngoài việc được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, du khách sẽ ngỡ ngàng với các món ăn ẩm thực dân tộc phong phú, đa dạng như: thắng cố, mèn mén, bánh giày, bánh bỏng…
Chợ phiên San Thàng - nơi lưu giữ văn hóa ẩm thực phong phú của dân tộc Giáy
Thành phố Lai Châu có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là một trong các đô thị có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất của cả nước. Đó chính là lợi thế để địa phương xây dựng dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, ngoài xây dựng đề án quy hoạch phát triển các bản văn hóa, gắn với du lịch cộng đồng dựa trên tiềm năng vốn có của từng xã, phường, địa phương đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Qua đó, tạo điều kiện để các đội văn nghệ được giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.
Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Lai Châu cho biết: "Chúng tôi tập trung vào bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn như dân tộc Mông, Thái, Giáy và dân tộc Dao. Đối với xã San Thàng cũng được quan tâm bảo tồn chợ phiên truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ truyền thống, gắn với các bản du lịch cộng đồng. Bảo tồn và phát huy các lễ hội trên địa bàn thành phố như là lễ hội Gầu Tào, Tú Tỉ. Đặc biệt là chúng tôi đã thực hiện được 2 lớp truyền dạy văn hóa đối với dân tộc Giáy đó là lớp tạo hình trang phục và lớp truyền dạy ẩm thực dân tộc".
Lai Châu chú trọng phát huy giá trị văn hoá để thúc đẩy du lịch phát triển
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Lai Châu, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 04, đến nay địa phương đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực. Các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, với 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương đã xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia, 30/39 bộ sưu tập hiện vật của 10/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng... Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, lan tỏa những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước...
Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu cho biết từ Nghị quyết của Tỉnh ủy, địa phương đã phát triển được 16 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, hơn 30 lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống, góp phần thu hút hàng triệu lượt khách đến với địa phương mỗi năm: "Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho hướng dẫn viên tại các thôn bản. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của bà con dân tộc; coi bản sắc văn hóa đó là nguồn lực để phát triển du lịch và chính từ du lịch đem lại lợi ích cho nhân dân. Đồng thời, du lịch cũng góp phần vào quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh".
Nhờ các chính sách của tỉnh, đến nay, Lai Châu còn duy trì nhiều lễ hội văn hoá dân tộc đặc sắc
Theo ông Trần Quang Kháng, để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, hiện địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh... nhằm tạo sinh kế cho người dân và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc - 02/11/2023
https://vov.vn/du-lich/ban-sac-van-hoa-tao-suc-hut-cho-du-lich-lai-chau-post1056392.vov