Cập nhật: 15/11/2023 08:27:00
Xem cỡ chữ

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. 

 Không gian văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định được bảo tồn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành 

Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương ở Bình Định đang thực hiện theo quyết định số 3899/QĐ-UBND ngày 23.11.2022 nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, giai đoạn 1 (2021-2025) thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. 
Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, huyện phối hợp với Sở VHTT Bình Định tổchức bảo tồn Lễ hội mừng cốm lúa mới, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana K’riêm. Ngoài ra huyện Vĩnh Thạnh nỗ lực tổ chức thêm 3 lớp tập huấn truyền dạy chỉnh sửa cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đàn t’rưng, đồng thời lên kế hoạch làm phim tài liệu về trường ca hơ mon, mua sắm trang phục, nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ thôn K3, xã Vĩnh Sơn và thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp…”. 
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bana K’riêm nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ nhân vùng cao nơi đây. “Tôi rất mừng khi được huyện tin tưởng giao trọng trách truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các trình thức trong lễ hội truyền thống của đồng bào Bana K’riêm cho lớp trẻ. Tôi đang sưu tầm trường ca hơ mon, di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào Bana đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền, để từ đó bảo tồn, truyền dạy cho lớp trẻ”, nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, ở thôn K8, xã Vĩnh Sơn vui vẻ nói. 

 Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana, được chú trọng bảo tồn gắn với phát triển du lịch 

Tại huyện Vân Canh, thời gian qua có 29 thôn, làng đồng bào dân tộc Chăm H’roi và Bana được hỗ trợ cồng chiêng từ các cấp ngành. Huyện cũng thành lập 8 CLB cồng chiêng, định kỳ 2 năm/lần tổ chức liên hoan cồng chiêng để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Theo ông Lê Thành Nhơn, Trưởng phòng VHTT huyện Vân Canh, không những quan tâm giữ gìn nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang, huyện còn hỗ trợ bảo tồn giá trị các loại nhạc cụ truyền thống như: Trống kơ toang, xà reo, chập chõa cũng như các lễ hội cầu mưa, ăn tết tại nhà rông, xuống lúa giống… 
Để đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: “Huyện Vân Canh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Bana làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận; lớp học tiếng, chữ viết Chăm H’roi cho cán bộ, công chức… Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng”. 
Huyện An Lão cũng tập trung nguồn lực để thực hiện Dự án 6 theo kế hoạch đề ra. Theo Phòng VHTT huyện An Lão, đến nay huyện đã kiện toàn 40 đội văn nghệ đồng bào Bana, H’rê tại 7 xã (An Vinh, An Dũng, An Trung, An Hưng, An Toàn, An Nghĩa, An Quang) và thị trấn An Lão; hỗ trợ trang phục cho 16 đội văn nghệ các xã hoạt động. Cùng với đó, xây mới nhà văn hóa thôn 2 (xã An Nghĩa) và tiếp tục xây thêm nhà văn hóa thôn 5, thôn 6 (xã An Quang). 
Ở góc độ nghiên cứu, nghệ nhân Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nhìn nhận: “Những người truyền dạy nhạc cụ dân tộc, các trình thức trong lễ hội truyền thống của đồng bào Bana, Hrê, Chăm H’roi… cần có “ngọn lửa” đam mê, có như vậy các thanh niên trẻ mới nhiệt tình học theo”. Cũng theo nghệ nhân Yang Danh, giữ được điệu múa, lời hát, trang phục… của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì sẽ “giữ hồn” không gian văn hóa của đồng bào vang mãi giữa núi rừng. 
Đểthực hiện các mục việc của Dự án 6 đảm bảo hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ, Sở VHTT Bình Định phối hợp các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân ràsoát, nắm chắc tiến độcác mục việc, các vướng mắc cần tháo gỡsớm. Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: “Đến cuối năm 2023, chúng tôi xây dựng 22 tủ sách cơ sở tại các xã miền núi. Thời gian tới, tiếp tục kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống, hỗ trợ các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số truyền dạy di sản cho lớp kế cận, cũng như hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động, trang bị cơ sở vật chất nhà văn hóa tại các xã miền núi. Bên cạnh đó, xây dựng các phim quảng bá di sản văn hóa, tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng cao bền vững”. 

Theo baovanhoa.vn - 13/11/2023

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/71321/bao-ton-van-hoa-cac160dtts-gan-voi-phat-trien-du-lich-o-binh-dinh160nhan-len160%e2%80%9cngon-lua%e2%80%9ddam-me