Luật sư Tuấn cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm, tuỳ từng mức độ mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Thời gian qua, ở nhiều địa phương xuất hiện những nhóm thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép rồi quay video đăng lên mạng xã hội nhằm khoe "chiến tích". Những "quái xế" này thường hẹn nhau qua mạng xã hội, lợi dụng đoạn đường vắng để "làm xiếc" bằng xe máy như bốc đầu xe, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi, phóng xe với tốc độ cao
Hành vi này không chỉ gây náo loạn khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà còn biểu hiện của sự “thách thức trật tự pháp luật” của người trẻ. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian gần đây, lực lượng chức năng các địa phương đã liên tiếp khởi tố nhiều đối tượng nhằm răn đe, không để người trẻ nhờn luật.
Một số người nổi tiếng tự cho mình quyền đứng trên pháp luật
Điển hình của vụ việc này, ngày 19/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, 34 tuổi, quê Trà Vinh) về tội "gây rối trật tự công cộng" quy định tại điều 318 bộ luật Hình sự.
Hình ảnh người mẫu Ngọc Trinh lái xe mô tô phân khối lớn nằm trên yên xe. Ảnh cắt từ clip
Ngọc Trinh được xác nhận, mặc dù bản thân không có giấy phép lái xe môtô hạng A2 nhưng đã nhiều lần thực hiện hành vi điều khiển xe môtô lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường thuộc Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe..., cho quay video, biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội… Sau đó, các video này đã lan truyền trên không gian mạng với hơn 240 bài post trên Facebook, hơn 650 bài viết trên website, hơn 3.000 video liên quan trên YouTube.
Việc Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt tạm giam có nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt này là tương đối nặng. Tuy nhiên, trao đổi bên hành lang Quốc hội mới đây, Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) khẳng định, hành động của Ngọc Trinh thể hiện sự coi thường pháp luật. Và việc xử lý Ngọc Trinh là cần thiết. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh, có tính răn đe và giáo dục cao đối với những người có ý thức chấp hành pháp luật thấp. Không thể vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích đồng tiền mà coi thường pháp luật. Không một ai có quyền coi thường pháp luật, thích làm gì thì làm, nhất là đối với những người nổi tiếng, có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Còn Đại biểu Hoàng Thị Thúy, (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) khẳng định, hành động vi phạm pháp luật về giao thông nếu cho là bình thường thì sẽ dần ảnh hưởng về tâm lý, hành động của người xem. Nhất là khi những hành động đó kích thích sự hứng thú với trẻ vị thành niên là đối tượng luôn muốn thể hiện mình.
"Các bạn trẻ có thể thấy hình ảnh của Ngọc Trinh là đẹp, biểu diễn như vậy “rất ngầu”. Từ đó, sẽ cổ vũ các bạn trẻ làm theo" - đại biểu Thúy nêu quan điểm.
Không chỉ Ngọc Trinh, thời gian gần đây, nhiều "quái xế" có hành vi phóng xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, làm xiếc gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho người tham gia giao thông đã bị cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành trên cả nước khởi tố, bắt giam. Cụ thể như Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) khởi tố 2 vợ chồng điều khiển xe mô tô “làm xiếc” trên đèo Hải Vân gây xôn xao, bức xúc trong dư luận; Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng, tạm giam 4 đối tượng về hành vi Gây rối trật tự công cộng; Công an huyện Phù Sơn - Sơn La khởi tố 14 đối tượng điều khiển xe môtô đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, quay video, kích động, gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường ...
Tình trạng gây rối diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ
Phân tíchh những hành vi trên, luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng văn phòng Luật Minh Gia cho rằng, an ninh, trật tự, an toàn tại nơi công cộng là một trong những nội dung cần được đẩy mạnh và chú trọng do nơi công cộng là nơi sinh hoạt, hoạt động, vui chơi chung của mọi người. Việc gây mất trật tự, an toàn tại nơi công cộng sẽ gây ảnh hưởng và gây ra những hậu quả rất lớn.
Đua xe, đánh võng phản ánh tình trạng tuân thủ pháp luật còn tương đối hạn chế
Do vậy, việc cơ quan có thẩm quyền khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp có hành vi gây rối trật tự công cộng phản ánh thực tế sau:
Thứ nhất, tình trạng gây rối, làm mất trật tự công cộng diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Hành vi này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mâu thuẫn, bức xúc hoặc bộc phát…
Thứ hai, phản ánh được tình trạng tuân thủ pháp luật, hiểu biết pháp luật của các đối tượng này còn tương đối hạn chế. Nhiều trường hợp khi thực hiện hành vi không ý thức được hành vi của mình có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là hậu quả về pháp lý đối với bản thân khi thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ ba, công tác điều tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an toàn, trật tự tại nơi công cộng của cơ quan công an ngày càng chặt chẽ.
Luật sư Tuấn cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm, tuỳ từng mức độ mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Từ trước đến nay, pháp luật đều có quy định về việc xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng, có thể là xử phạt hành chính với hành vi vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng, hoặc khởi tố, tạm gian với hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Cụ thể: Xử phạt hành chính với hành vi gây rối trật tự được quy định tại Điều 5 NĐ 167/2013/NĐ-CP nay được thay thế bởi NĐ 144/2021/NĐ-CP;
Về xử lý hình sự: Trước đây được quy định Điều 245 BLHS 1999; Hiện nay là Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Tuy nhiên, theo đánh giá của luật sư thì thời điểm hiện nay, việc khởi tố, tạm giam đối với hành vi gây rối trật tự có xu hướng gia tăng.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN- 17/11/2023
https://vov.vn/phap-luat/lien-tuc-khoi-to-cac-vu-lam-xiec-tren-xe-khong-de-nguoi-tre-nhon-luat-post1059354.vov