Hiện nay, một số trường tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để xét tuyển đại học năm 2024 đã công bố phương án, lịch thi.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2024 có 6 đợt thi Đánh giá tư duy, dự kiến các ngày thi sẽ diễn ra vào thứ 7, chủ nhật.
Cụ thể, đợt 1 diễn ra vào ngày 2-3/12/2023, đợt 2: ngày 20/1/2024 - 21/1/2024; đợt 3: ngày 9/3/2024 - 10/3/2024; đợt 4: ngày 27/4/2024 - 28/4/2024; đợt 5: ngày 8/6/2024 - 9/6/2024; đợt 6: ngày 15/6/2024 - 16/6/2024.
Kỳ thi Đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra tại các địa phương gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Thí sinh làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính và được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.
ĐH Bách khoa Hà Nội lưu ý, thí sinh được chọn tối đa 5/6 đợt thi, thí sinh không được đăng ký đợt 5 và đợt 6 cùng lúc do 2 đợt thi cách nhau chỉ 1 tuần.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, năm 2024, kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) tiếp tục được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong đó, Thái Bình và Hà Tĩnh là hai tỉnh trong số 20 tỉnh thành có nhiều học sinh đăng ký thi HSA năm 2022 và 2023. Trường Đại học Thái Bình và Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ là 2 địa điểm HSA thời gian tới.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, việc mở rộng thêm các địa điểm thi HSA xuất phát từ nhu cầu của thí sinh và phụ huynh và hạ tầng kỹ thuật của điểm thi. Việc triển khai hai điểm thi mới tại Trường Đại học Thái Bình và Trường Đại học Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh Thái Bình, Hà Tĩnh được tiếp cận với bài thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội, giảm chi phí đi lại. Đồng thời, hai trường đại học có thêm nguồn tuyển xét tuyển đại học bằng kết quả bài thi HSA.
Năm 2024, quy mô kỳ thi HSA dự kiến tổ chức cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi (tăng 5.000 lượt so với quy mô đề xuất ban đầu của năm 2023).
Thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm, thời gian giữa 2 đợt liên tiếp tối thiểu 28 ngày; lệ phí dự thi Đánh giá năng lực vẫn là 500.000 đồng/lượt.
Lịch thi các đợt cụ thể như sau:
Thông tin về kỳ thi Đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức 2 đợt thi Đánh giá năng lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký thi đợt 1 dự kiến từ ngày 21/1/2024 - 4/3/2024 và đợt 2 từ ngày 16/4/2024 - 7/5/2024.
Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 tại 23 tỉnh, thành (tăng 2 địa phương là Bình Phước và Tây Ninh so với năm 2023). Đợt 2 dự kiến vào ngày 2/6/2024.
Kết quả của 2 đợt thi sẽ công bố lần lượt vào ngày 15/4/2024 và 10/6/2024, tức khoảng sau một tuần của mỗi đợt thi.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, năm 2023 đã có 97 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để xét tuyển, tăng gấp 14 lần so với kỳ thi đầu tiên vào năm 2018.
“Kết quả này cho thấy kỳ thi Đánh giá năng lực đã giúp mở rộng phương án xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần đánh giá chính xác và toàn diện hơn năng lực của thí sinh, từ đó tuyển chọn được người học có năng lực phù hợp”, TS Nguyễn Quốc Chính nhận định.
TS Nguyễn Quốc Chính thông tin thêm, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT mới sẽ tốt nghiệp THPT. Chương trình giáo dục này chuyển đổi từ tiếp cận nội dung, nhấn mạnh cung cấp kiến thức sang tiếp cận năng lực, nhấn mạnh vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn cuộc sống của học sinh phổ thông. Cụ thể, bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, học sinh chỉ học bắt buộc bốn môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử; các môn còn lại là môn lựa chọn.
Trước những thay đổi này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2025, lấy ý kiến của các giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và 2 lần lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo cấu trúc đề thi, ma trận ngân hàng câu hỏi. Đến cuối năm nay, sẽ hoàn thiện dự thảo đề thi mẫu, xây dựng ngân hàng câu hỏi theo ma trận mới.
Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ điều chỉnh cấu trúc đề thi phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đối với phần giải quyết vấn đề, so với các năm trước, cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực từ năm 2025 sẽ gồm 6 nhóm lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và giáo dục kinh tế - pháp luật. Thí sinh được quyền lựa chọn các câu hỏi thuộc 3 trong 6 lĩnh vực phù hợp với mình. Tuy nhiên, những phần cốt lõi của đề thi thì không thay đổi, như đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, toán học, logic, phân tích số liệu…
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 27/11/2023
https://vov.vn/xa-hoi/ky-thi-rieng-tuyen-sinh-dai-hoc-2024-som-nhat-tu-thang-122023-post1061830.vov