Thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi sáng 28/11, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá. Một số đại biểu đề nghị nâng mức tiền đặt trước lên tối thiểu 20% giá trị tài sản; đồng thời xây dựng chế tài xử phạt hành chính đối hành vi bỏ cọc đấu giá, cấm tham gia đấu giá ở các lần tiếp theo…
Tăng số tiền đặt cọc tối thiểu để hạn chế cò đấu giá
Để ngăn chặn bỏ cọc đấu giá, một số đại biểu đề nghị nâng mức tiền đặt trước lên tối thiểu 20% giá trị tài sản; cùng đó là xây dựng chế tài xử phạt hành chính đối hành vi bỏ cọc đấu giá, cấm tham gia đấu giá ở các lần tiếp theo…
Tham gia vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, cần tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn để tránh tình trạng đối tượng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.
“Hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền là từ 5 – 10% giá trị tài sản, tuy nhiên, tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Bởi vì con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy, những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”, đại biểu Nga nêu rõ.
Đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hiếu, có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá vì trước khi người ta nộp hồ sơ người ta cũng chưa biết được người ta có trúng đấu giá hay không. Do vậy, nên quy định một chế tài phạt hợp đồng.
“Có thể nâng lên từ 30% đến 50% để phạt hợp đồng đối với những ngườ trúng đấu giá nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng để đảm bảo cho việc hoạt động đấu giá được lành mạnh”, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu ý kiến.
Đề nghị xử lý hình sự
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau gợi ý tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", đại biểu Thanh nói.
Phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.
"Chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước", ông Phạm Văn Thịnh nói.
Theo ông Phạm Văn Thịnh, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước.
Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đại biểu cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Áp dụng nguyên lý "phù hợp với thông lệ quốc tế"
Tại phiên họp, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sửa đổi lần này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá đặc biệt đối với tài sản đặc thù như: hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Thực tế cũng phát sinh một số vấn đề cần phải được xử lý để hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Liên quan đến trình tự, thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, Bộ trưởng cho hay, dự thảo có những quy định nhằm công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, còn các quy định về giá khởi điểm hay xử lý thì tuân theo pháp luật chuyên ngành", Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.
Đối với chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa, góp ý hoàn thiện các quy định chuyên ngành. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện các quy định theo hướng nâng tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên.
Về đề nghị nâng mức tiền đặt trước, ông Long dẫn chứng thông lệ quốc tế, cho thấy có trường hợp còn không quy định tiền đặt trước. Bởi lẽ, mục đích đặt ra là bán tài sản, kể cả giá khởi điểm là 0 đồng, và thu được càng nhiều tiền thì càng tốt.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN – 28/11/2023
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/dbqh-hien-ke-siet-vong-kim-co-de-loai-bo-tinh-trang-bo-coc-khi-dau-gia-tai-san-post1062067.vov