Cập nhật: 03/12/2023 07:31:00
Xem cỡ chữ

Lễ Mở cửa kho lúa có giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao; thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người; bày tỏ tri ân của con người với vật hiến sinh, thần linh.

Lễ Mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Lễ Mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Đồng bào Rơ Măm sinh sống ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, là một trong năm dân tộc ít người nhất cả nước, với 178 hộ và 526 khẩu.

Đời sống sinh hoạt của người Rơ Măm trước đây có nhiều nét riêng biệt so với các dân tộc thiểu số khác.

Người Rơ Măm vẫn sống thành làng, nhưng làng được bố trí theo hình bầu dục, có nhiều cổng, một cổng chính mở ra hướng Bắc; nhà Rông được dựng ở giữa làng; quần tụ quanh nhà Rông là nhà ở làm theo kiểu nhà sàn dài của các gia đình theo song hệ.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Rơ Măm có loại váy quấn và áo cộc tay; nam giới có khố, áo, tấm choàng. Người Rơ Măm không có tập quán tạo màu cho nền trang phục, các loại váy, áo, khố, tấm choàng đều được làm bằng vải mộc. Họ có tục cà răng. Nam giới còn có tục xăm da.

Lương thực chính của họ là gạo nếp, các loại khác như gạo tẻ, ngô, kê, khoai,... chỉ là lương thực phụ. Thức uống thường ngày là nước lã, khi cử hành nghi lễ hoặc lúc sum vầy thì có rượu cần.

Hoạt động kinh tế của người Rơ Măm chủ yếu là trồng trọt trên rẫy. Bên cạnh đó, người Rơ Măm còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động khác như hái lượm và săn bắt trong rừng, làm các nghề thủ công (dệt vải, đan lát, rèn), đánh bắt cá và các loài nhuyễn thể.

Sinh hoạt cộng đồng của người Rơ Măm diễn ra dưới nhiều hình thức nhằm lưu truyền những giá trị văn học-nghệ thuật truyền thống. Văn hóa dân gian Rơ Măm phong phú với những truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng chiêng, trống và nhiều loại nhạc cụ khác.

Từ quan niệm mọi sự vật và hiện tượng đều có thần linh ngự trị, phong tục, tập quán của người Rơ Măm gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là Lễ bỏ mả, Lễ mừng nhà rông mới...

Thông qua sinh hoạt cộng đồng, người già Rơ Măm chỉ dạy cho lớp trẻ những quy định của luật tục và giám sát việc thực thi luật tục, đồng thời trao truyền cho thế hệ sau vốn tri thức dân gian.

Lễ hội Mở cửa kho lúa

Cùng với nhiều lễ hội như Lễ cưới, Lễ bỏ mả, Lễ mừng nhà rông mới..., các nghi lễ khác gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được người Rơ Măm gìn giữ và duy trì, trong đó Lễ Mở cửa kho lúa là lớn nhất.

Đã thành thông lệ, vào khoảng tháng 11-12 Dương lịch hàng năm, khi hạt lúa, hạt ngô, hạt kê đã được đem về cất kỹ cũng là lúc đồng bào Rơ Măm (ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chuẩn bị cho các nghi thức của Lễ hội Mở cửa kho lúa.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Rơ Măm, cây lúa nắm giữ vai trò quan trọng, là lương thực chính của đồng bào, mang đến sự ấm no trong cuộc sống.

ttxvn-ro-mam3-1758.jpg

Rượu ghè, gà cúng Giàng và thần linh tại Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Lễ hội Mở kho lúa đánh dấu sự hoàn tất chu trình sản xuất nông nghiệp. Chính vì tầm quan trọng của ngày này, dù Lễ hội chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng cả làng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó cả tháng.

Theo quan niệm của người Rơ Măm, Mở cửa kho lúa là một nghi thức quan trọng, bắt buộc, trước khi người dân gùi lúa về nhà.

Trước khi tiến hành, già làng sẽ xem ngày và thông báo với Giàng (vị thần của dân làng) về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày giờ đã được ấn định, cả buôn làng rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ linh thiêng. Người thì vào rừng tìm tre già làm cây nêu, người thì lau chùi lại đàn, chiêng, người thì tất bật mổ gà, chặt ống tre, ủ rượu cần…

Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng (chủ lễ) làm cái lễ nhỏ. Lễ vật là một con gà, một ghè rượu để thông báo với Giàng và xin phép để làng làm cây nêu. Công việc làm cây nêu chỉ được nam giới đảm nhận, từ việc chuẩn bị, lắp ráp, trang trí…

Khi làm các công đoạn hoàn tất, cây nêu được bảo quản trân trọng, bởi theo quan niệm của đồng bào, cây nêu lúc này không còn là cây tre bình thường nữa, mà nó là một vật thiêng, là đường lên xuống - cầu nối, mối liên hệ giữa cộng đồng và thế giới bên trên (Giàng).

Sau đó, các gia đình mang những ghè rượu tới nhà Rông. Già làng làm lễ và thông báo với Giàng về tất cả các bước tiến hành và lễ thức của cộng đồng và công việc tổ chức lễ hội.

Sau lời khấn, kho lúa được mở cửa. Trong không khí linh thiêng, phụ nữ làng Le gùi lúa ra sân để giã gạo cùng âm thanh sôi động của bài chiêng đâm trâu (bài Trum). Trong nhịp xoang, những điệu múa uyển chuyển, thanh thoát của các cô gái Rơ Măm tăng thêm không cho khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội.

ttxvn-ro-mam2-4478.jpg

Chủ nhà cài cành lá vào cửa kho lúa và cầu thang, ngụ ý mong cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Cùng lúc đó, già làng tiếp tục báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn làng trong năm; cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận, gió hòa; cây trồng không bị dịch bệnh; thú rừng không phá hoại mùa màng.

Sau những lời khấn, mời gọi thần linh về chứng giám và phù hộ, già làng ném gạo vào con vật hiến sinh (trâu), chia gạo cho dân làng.

Khi đã nhận được gạo, đồng bào đồng loạt ném về phía con trâu, với ngụ ý cho trâu ăn đồng thời mong con vật hiến sinh sẽ đem hết vận xui đi và mang lại may mắn cho gia đình, cho cộng đồng làng.

Khi nghi lễ hoàn tất, mọi người cùng uống rượu lễ tại nhà Rông và mang ý thiêng từ ngôi nhà chung của cộng đồng về từng nhà để làm lễ.

Lễ Mở cửa kho lúa của đồng bào dân tộc Rơ Măm mang hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu, có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao; thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người; bày tỏ tri ân, cảm tạ của con người đối với vật hiến sinh và thần linh./.

Theo  (Vietnam+) - 02/12/2023

https://www.vietnamplus.vn/le-mo-cua-kho-lua-nghi-thuc-van-hoa-dan-gian-tieu-bieu-dong-bao-ro-mam-post911154.vnp