Cập nhật: 06/12/2023 07:30:00
Xem cỡ chữ

Làng chiếu Cẩm Nê không chỉ là một làng nghề truyền thống với những sản phẩm mang giá trị về văn hóa, lịch sử mà đây còn là một địa điểm du lịch độc đáo được nhiều người lựa chọn khi đến với Đà Nẵng.

Phân loại lác sau khi thu hoạch. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Phân loại lác sau khi thu hoạch. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Bên cạnh các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du lịch Đà Nẵng còn nổi bật với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có làng chiếu Cẩm Nê - một trong những làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời nhưng đến nay vẫn giữ được nhiều giá trị ý nghĩa.

Du khách đến đây được chiêm ngưỡng thế giới đầy sắc màu, có thêm nhiều hiểu biết về nghề đan chiếu của người Việt.

Làng chiếu Cẩm Nê nằm cách trung tâm thành phố khoảng 14km, thuộc địa phận của xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Theo tài liệu, nghề làm chiếu Cẩm Nê bắt đầu vào khoảng thế kỷ 15, khi những người di cư từ vùng Hoằng Hóa (nay là một phần của tỉnh Thanh Hóa) đến Cẩm Nê, một làng thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Họ mang theo kỹ thuật làm chiếu và bắt đầu sản xuất chiếu ở đây.

Làng nghề truyền thống Cẩm Nê nổi tiếng nhất vào thời nhà Nguyễn vì cung cấp sinh kế cho dân làng. Chiếu Cẩm Nê lúc bấy giờ được tạo ra để phục vụ các bậc vua chúa trong cung đình. Những chiếc chiếu này được phổ biến rộng rãi trên thị trường nhờ sự khéo léo của những người buôn bán.

ttxvn-chieu0.jpg

Phơi lác sau khi đã nhuộm màu. (Ảnh minh họa. Chương Đài/TTXVN)

Trong quá trình phát triển, làng Cẩm Nê đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các người thợ làm chiếu ở những vùng khác. Đến nay, ngôi làng chỉ còn lại một số hộ dân theo nghề, tuy nhiên nét đẹp từ khung dệt và chất lượng chiếu vẫn được giữ gìn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa ý nghĩa.

Quy trình làm chiếu làng Cẩm Nê

Chiếu Cẩm Nê đa dạng về hình thức và mẫu mã, với nhiều loại chiếu từ khổ rộng, khổ hẹp, mẫu chiếu trơn cho tới mẫu chiếu hoa. Nhưng dù phân loại như thế nào, quy trình làm ra một chiếc chiếu vẫn có những điểm đặc biệt.

Nguyên liệu để làm chiếu là sợi lác, được thu mua từ các vùng nguyên liệu khác về.

Sau đó, người dân bát đầu thực hiện quy trình dệt chiếu độc đáo của mình. Chiếu trơn chỉ dệt bằng loại sợi lác trắng dài nguyên sợi, không chắp nối; chiếu hoa thì sẽ nhuộm màu và phơi khô sợi lác trước khi dệt.

Chiếu dệt xong tiếp tục được người dân đem trải khắp sân, khắp vườn, đường làng phơi để cho chiếu nguội. Sau đó, các sợi lác ở hai đầu chiếu sẽ được gấp lại để sợi nan không bị bung ra.

Nếu như những địa phương khác dệt chiếu hoa bằng cách dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền thì tại làng Cẩm Nê, người dân lựa chọn từng sợi lác rồi nhuộm màu.

Chính nhờ cách làm độc đáo này mà chiếu Cẩm Nê có chất lượng bền đẹp, dày dặn và nằm rất êm lưng, tạo nên sự khách biệt của sản phẩm nơi đây. Đặc biệt, vào mùa Hè, chiếc chiếu đem lại cảm giác thoáng mát, thoang thoảng mùi hương thơm của cói. Vào mùa Đông, chiếu lại tỏa ra một hơi ấm.

ttxvn-chieu 1.jpg

Một máy dệt chiếu. (Ảnh minh họa. Chương Đài/TTXVN)

Làng chiếu Cẩm Nê đến nay không chỉ là một làng nghề truyền thống với những sản phẩm mang giá trị về văn hóa, lịch sử mà đây còn là một địa điểm du lịch độc đáo được nhiều người lựa chọn khi đến với Đà Nẵng. Du khách đến đây không chỉ thoải mái tham quan, check-in mà còn có thể lựa cho mình những chiếc chiếu thật đẹp, chất lượng để làm quà cho người thân.

Một vài lưu ý khi tới du lịch làng chiếu Cẩm Nê

Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, du khách đi theo đường Quốc lộ 1A đến xã Hòa Tiến và hỏi đường người dân để vào làng chiếu Cẩm Nê. Quảng đường chỉ khoảng 14km nên bạn có thể dễ dàng di chuyển mà không tốn nhiều thời gian.

Thời gian tham quan đẹp nhất: Làng chiếu Cẩm Nê khoác màu áo đẹp đẽ nhất vào những lúc gần Tết (tháng 11 trở đi). Lúc này, những chiếc chiếu sặc sỡ đủ loại sẽ được mang ra trưng bày buôn bán khắp lối. Và nơi đây cũng không tính phí tham quan nên du khách có thể thoải mái đi dạo và check-in.

Trong hành trình khám phá làng chiếu Cẩm Nê, bạn có thể kết hợp tham quan một số làng nghề truyền thống khác như Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Làng nước mắm Nam Ô, Làng bánh khô mè Cẩm Lệ, Làng bánh tráng Túy Loan… Hoặc các điểm du lịch thú vị như cầu sông Hàn, chợ Cồn…/.

Theo (Vietnam+) - 29/11/2023

https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-nhung-net-dep-rat-rieng-cua-lang-chieu-cam-ne-da-nang-post909392.vnp