Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, do đó cần lắng nghe ý kiến của các chủ thể liên quan một cách tôn trọng, cầu thị.
Sáng 7/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Đại diện các Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội bất động sản TP.HCM.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hội nghị này nhằm bàn việc khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đặt câu hỏi vì sao nguồn vốn vẫn chưa được khơi thông dù các chủ thể liên quan đã cố gắng nhưng rõ ràng chưa đạt được mục tiêu. Vậy hạn chế bất cập này nằm ở đâu, ai cần phải tháo gỡ và tháo gỡ đến bao giờ mới có hiệu quả?
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, do đó cần lắng nghe ý kiến của các chủ thể liên quan một cách tôn trọng, cầu thị; đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nêu các giải pháp khả thi, kịp thời, hiệu quả, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, các ngân hàng, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng nêu rõ, vấn đề ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp, doanh nghiệp và ngân hàng có liên quan nền kinh tế đất nước. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Vậy làm thế nào nền kinh tế phát triển, hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng ? Làm thế nào để ngân hàng và doanh nghiệp phát triển để hỗ trợ cho nền kinh tế? Đất nước khó khăn và nghèo đói thì liệu có ai giàu có? Doanh nghiệp là hệ sinh thái của ngân hàng, ngân hàng và doanh nghiệp là hệ sinh thái của nền kinh tế. Các hệ sinh thái không phát triển thì nền kinh tế không phát triển được.
Thủ tướng chỉ rõ, đặt vấn đề như vậy để cùng có trách nhiệm, mỗi người đóng góp một ít thì mới phát triển được.
"Chúng ta có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế; phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phải thực hiện, phải làm được"- Thủ tướng nói, đồng thời đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ thì liệu có phải có trách nhiệm không? Liệu cứ đòi một chiều có đúng không?
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách phù hợp; phải thực hiện tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” thì mới đúng, mới phát triển được.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng nhấn mạnh: " Chúng ta phải bàn, lắng nghe ý kiến của nhau. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, thu lời thì lúc khó khăn phải chia sẻ với nhân dân. Các ngân hàng mà không có doanh nghiệp và nhân dân thì không thể có ngân hàng".
Thủ tướng nhắc lại bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Do đó, chính sách phải hết sức linh hoạt, không hạ chuẩn các điều kiện cho vay nhưng có linh hoạt được không?. Nếu đóng barrier đối với tất cả mọi người như nhau thì khó, không phải trọng tâm, trọng điểm; cần phải có cái chung, cái riêng; có chính sách chung nhưng vẫn vận dụng linh hoạt để có chính sách riêng. Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không? Mỗi người phải đóng góp sáng kiến để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân chúng ta mới vượt qua khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để đưa đất nước đi lên. Phải nhìn nhận những khó khăn chung của thế giới. Thế giới hiện nay đang phải giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận, giải quyết mang tính toàn cầu, toàn dân. Vừa phải nghiên cứu cách làm của thế giới, nhưng vận dụng sáng tạo đối với tình hình đất nước không máy móc.
Thủ tướng bày tỏ, đất nước ta khi giành được độc lập từ năm 1945 đã phải đương đầu với các cuộc chiến tranh, đấu tranh giành độc lập dân tộc, rồi vượt qua bao vây, cấm vận để vươn lên phát triển như ngày nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam đang rất thành công, đang chuyển thành nguồn lực, minh chứng rõ nét là đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn FDI rất cao, thể hiện thế giới tin tưởng Việt Nam. Tất cả các chính sách của chúng ta đều hỗ trợ nhau từ kinh tế đến chính trị, văn hoá, xã hội…
Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, cần tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng vì đang tiếp cận tín dụng khó, có tiền mà chưa tiêu được; phải bàn trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu. Mỗi chủ thể đóng góp, có cả sự hy sinh thì mới làm được. Nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, không nhường nhịn, hy sinh thì không thể vượt qua được. Lịch sử đất nước cho thấy, mỗi lúc khó khăn, chúng ta đều đoàn kết vượt qua. Cần nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phải sử dụng các công cụ thị trường chứ không thể công cụ hành chính.
Hiện nền kinh tế của ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, cho nên mọi việc làm vừa phải thận trọng, vừa chắc chắn, vừa theo truyền thống, vừa tiếp cận theo xu thế quốc tế, thực hiện theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có bước đi, có lộ trình phù hợp tiến tới thị trường đầy đủ chứ không thể dùng công cụ hành chính mãi.
Theo Vũ Khuyên/VOV- 07/12/2023
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-kho-khan-ve-von-cho-nen-kinh-te-post1063959.vov