Cập nhật: 09/12/2023 08:39:00
Xem cỡ chữ

Những dấu chân này được tìm thấy tại một số địa điểm ở miền Nam châu Phi. Gần đây, chúng được xác định rằng đó là dấu vết lâu đời nhất của loài chim từng được tìm thấy.

Hóa thạch bàn chân giống chim. (Nguồn: KTTV)

Hóa thạch bàn chân giống chim. (Nguồn: KTTV)

Một nghiên cứu mới đây cho thấy hàng triệu năm trước khi loài chim xuất hiện, đã từng có một loài động vật bí ẩn đi lại bằng đôi chân giống như của chim.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện những dấu chân hóa thạch với ba ngón chân có niên đại hơn 210 triệu năm in trong một lớp bùn mềm cổ đại.

Những dấu chân này được tìm thấy tại một số địa điểm ở miền Nam châu Phi. Gần đây, chúng được xác định rằng đó là dấu vết lâu đời nhất của loài chim từng được tìm thấy, lâu hơn nhiều so với những hóa thạch sớm nhất được biết đến của loài chim có niên đại khoảng 60 triệu năm.

Tiến sỹ Miengah Abrahams, Giảng viên Khoa học Địa chất tại Đại học Cape Town ở Nam Phi, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Xét theo niên đại, chúng có thể do khủng long tạo nên.”

Theropod, bao gồm cả Tyrannosaurus rex, là một nhóm động vật ăn thịt hai chân sở hữu đôi bàn chân với 3 ngón mỗi bên.

Nhưng trong số những dấu vết mới được phát hiện này, có một số khác với dấu chân điển hình của khủng long. Chúng xòe ít hơn, rộng hơn và có những ngón chân dài hơn đáng kể. Các đặc điểm này khiến dấu chân giống với của loài chim hơn, Abrahams cho biết trên CNN.

ttxvn-khung-long-7096.jpg

Hình ảnh minh họa loài khủng long có hóa thạch được phát hiện tại Patagonia, Chile, ngày 8/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là các vết chân, nên quan hệ của loài động vật tạo nên chúng với loài chim vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu cho biết các dấu chân có thể thuộc về một loài đóng vai trò mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa của loài chim. Cũng có thể chúng thuộc về các loài bò sát không có họ hàng với gia cầm, mà tiến hóa độc lập với bàn chân giống như của loài chim.

Những dấu chân này được phát hiện vào giữa thế kỷ 20, và loài tạo ra dấu chân được nhà cổ sinh vật học người Pháp Paul Ellenberger đặt tên khoa học là Trisauropodiscus. Chúng thuộc nhánh động vật chỉ được nghiên cứu qua những hóa thạch dấu vết để lại, chứ không phải hóa thạch từ cơ thể. Các hóa thạch này thường được gọi là hóa thạch không xương.

Người ta cho rằng có bảy loài động vật có liên quan đến dấu vết để lại của loài Trisauropodiscus. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tranh cãi về mối quan hệ họ hàng của nhóm này với loài chim. Theo nhà nghiên cứu Abrahams, Ellenberger có thể đã gán nhiều dấu vết có hình dáng khác nhau cho một loài động vật, và không phải tất cả chúng đều giống chim.

Hơn nữa, hình dạng của các dấu chân cũng không giống nhau, tùy thuộc vào các loại vật chất mà con vật dẫm phải. Điều này có thể gây khó khăn cho việc xác định các đặc điểm vật lý của một loài động vật đã tuyệt chủng khi những dấu vết hóa thạch không xương là manh mối duy nhất mà chúng để lại.

Tiến sỹ John C. Julia Clarke, Giáo sư Cổ Sinh vật có Xương sống tại Đại học Texas, Mỹ cho biết vào thời điểm dấu vết của Trisauropodiscus bị vùi lấp trong bùn, một quá trình tiến hóa để thích nghi đang bùng nổ trong nhóm bò sát cổ đại bao gồm khủng long, thằn lằn bay và cá sấu. Vì vậy thật thú vị khi tìm thấy bằng chứng về một bàn chân giống chim ở một thành viên bí ẩn trong nhóm này.

“Dấu chân không trùng khớp hoàn toàn với bất kỳ hóa thạch động vật nào được biết ở khu vực trong khoảng thời gian này. Chúng có thể thuộc về các loài bò sát khác hoặc họ hàng của một loài khủng long đã tiến hóa để có bàn chân giống như chim,” Clarke nói.

Cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu bắt đầu vào năm 2016. Nhóm nghiên cứu đã “theo bước chân của Paul Ellenberger” nhưng sử dụng các tiêu chuẩn nghiên cứu hiện đại.

Trong chuyến đi tới Maphutseng, một địa điểm có chứa nhiều hóa thạch ở Lesotho, Nam Phi, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số dấu vết giống chim từ Kỷ Triassic. Abrahams cho biết: “Chúng tôi phải mất nhiều thời gian mới nhận ra mình đang nhìn vào Trisauropodiscus. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là những dấu vết này thực sự rất giống chân chim và chúng tôi biết rằng mình cần phải điều tra thêm về chúng.”

Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tới khảo sát các địa điểm hóa thạch, phân tích các bức ảnh, phác thảo, và tạo ra những mô hình 3D của dấu chân.

hoa-thach-vet-chan-6785.jpg

Một vết chân hóa thạch. (Nguồn: Wikipedia)

Các nhà khoa học đã xem xét 163 dấu vết và chia chúng thành hai loại hoặc hình thái dựa trên hình dạng của chúng.

Nhóm Morphotype I được xác định là không giống chân chim. Chúng có chiều dài nhỉnh hơn bề ngang một chút, với những ngón chân tròn hơn, khỏe khoắn hơn và ít xòe. Abrahams cho biết chúng cũng có một “gót chân” được tạo ra từ những miếng đệm của ngón thứ ba và thứ tư.

Nhóm Morphotype II có các rãnh chân nhỏ hơn, bề rộng lớn hơn so với chiều dài, với những ngón chân thon hơn. Hình dạng và độ rộng này gần giống với dấu vết của loài chim từ Kỷ Phấn trắng (145 triệu đến 66 triệu năm trước). Đó là chim lội Gruipeda, một loài động vật với hóa thạch không xương khác, cũng chỉ được biết đến qua các dấu chân. Và về tổng thể, các dấu vết của nhóm Morphotype II gần giống với dấu vết của loài chim hiện đại, các nhà khoa học cho biết.

Tuy nhiên, bằng chứng hóa thạch cổ xưa nhất của paravian - nhóm khủng long bao gồm các loài chim sớm nhất và họ hàng gần nhất của chúng - xuất hiện tử khoảng giữa Kỷ Jura (201,3 triệu đến 145 triệu năm trước).

Do đó, dấu vết bàn chân thuộc nhóm Morphotype II, có niên đại ít nhất 210 triệu năm. Có thể đưa ra giả thuyết rằng những bàn chân giống chim này thậm chí còn cổ xưa hơn./.

Theo (Vietnam+)+) - 08/12/2023

https://www.vietnamplus.vn/dau-chan-hoa-thach-tiet-lo-mot-loai-dong-vat-bi-an-co-ban-chan-giong-chim-post911780.vnp