Hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Hiện nay, các trang mạng xã hội đăng các tin tức tuyển dụng lừa đảo đã và đang diễn ra rất nhiều như: công việc bán thời gian mà lương từ 3 đến 50 triệu ngày kiếm được trên 500.000 đồng, hay tuyển dụng nhân viên cho các siêu thị, nhà sách lớn, tuyển dụng theo hình thức đa cấp….Chủ yếu là các bạn trẻ, các bạn sinh viên năm nhất mới từ quê lên do chưa có kinh nghiệm, bị dính bấy rất nhiều. Vậy nếu trường hợp đăng tin tuyển dụng lừa đảo thì cá nhân đăng tin trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo hay không, luật sư trả lời như thế nào?
Quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên trên mạng xã hội.
Đăng tin tuyển dụng lừa đảo lên mạng xã hội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo Văn phòng Luật sư Quang Law Vietnam, mạng xã hội ngày càng phát triển mở rộng, các doanh nghiệp chủ yếu đăng tin tuyển dụng trên các website, mạng xã hội. Nên các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động.
Người lao động thường có tâm lý tìm công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn. Chính tâm lý đó đã khiến nhiều người bị các đối tượng tuyển dụng lừa đảo, nhất là mấy bạn sinh viên mới nhập học có nhu cầu kiếm việc làm thêm.
Mức xử phạt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo quy định trên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xem là hoàn thành chỉ khi có hành vi chiếm đoạt đã xảy ra; Người thực hiện hành vi cố ý thực hiện việc gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản người khác; Số tiền hay hành vi chiếm đoạt thuộc các trường hợp quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Nếu việc đăng tin lừa đảo được cụ thể hóa thành hành vi, thỏa các điều kiện vừa nêu, cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 03 năm.
Thực tế, hiện nay các thông tin tuyển dụng việc làm không được cơ quan chức năng kiểm soát hoặc người lao động không có hợp đồng lao động chính thức. Và giá trị lừa đảo ở mức nhỏ, như chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên các bị hại không muốn tố giác tới các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một số trường hợp lừa đảo bị xử lý chỉ cũng ở mức xử phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Vậy nên khi tìm kiếm việc làm thêm trên mạng, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi tham gia, nhất là khi bị yêu cầu đóng tiền trước mới được đi làm thì không nên tin.
Thời gian qua, Bộ Công an nhiều lần phát đi thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trang web, Facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng, nhận đơn hàng, hưởng mức hoa hồng cao. Nội dung thông tin của Bộ Công an nêu rõ: “Hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”.
Như vậy có thể thấy, để không trở thành nạn nhân, người dân nên cảnh giác trước việc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các trang mạng xã hội. Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Nguyễn Hoàng/VOV.VN – 19/12/2023
https://vov.vn/phap-luat/dang-tin-tuyen-dung-lua-dao-len-mxh-co-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-post1066462.vov