Có vẻ đẹp hài hòa của vùng sinh thái tự nhiên đan xen cùng với đời sống văn hóa tâm linh nên Danh thắng Ngũ Hành Sơn càng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan.
Ngũ Hành Sơn là tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất Đà Nẵng.
Có vẻ đẹp hài hòa của vùng sinh thái tự nhiên đan xen cùng với đời sống văn hóa tâm linh nên nơi đây càng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2.
Đây là điểm đến được du khách yêu mến trên hành trình tham quan các vùng đất thuộc con đường di sản miền Trung như Cố Đô Huế-Ngũ Hành Sơn-Phố cổ Hội An-Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn.
Quần thể di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm 6 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn.
Các ngọn núi tuy có khác nhau về kích thước, nhưng nhìn từ xa hình dáng khá giống nhau; đặc biệt, mỗi ngọn núi lại có một màu đá riêng biệt.
Núi Thủy Sơn cao khoảng 160m và nằm trên một bãi đất rộng đến 15ha theo hướng Đông Bắc.
Núi Thủy Sơn còn có tên là núi Tam Thai vì có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng, nhìn giống như 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Sao Cày.
Đây chính là ngọn núi cao, lớn và đẹp nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn.
Một góc ngọn núi Thủy Sơn tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Trên đỉnh núi Thủy Sơn, bạn sẽ bắt gặp hai di vật cổ quý hiếm: tấm Kim bài hình quả tim lửa có bút tích của vua Minh Mạng và tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật.
Từ đỉnh của Thủy Sơn, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên đặc sắc của toàn bộ núi Ngũ Hành Sơn và chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố từ xa được bao quanh bởi những bãi biển nên thơ.
Núi Mộc Sơn nằm ở phía Đông Nam Ngũ Hành Sơn, song song với núi Thủy Sơn. Tại núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khối đá cẩm thạch Phật Bà Quan Âm trắng muốt cực kỳ ấn tượng.
Núi Mộc Sơn còn được người dân nơi đây gọi là núi Mồng Gà vì hình dạng của núi tựa như chiếc mào gà. Ngọn núi có khá ít cây, sườn dốc. Tại đây, du khách có thể ghé thăm nhà thờ Thạch nghệ tổ sư, ông tổ nghề điêu khắc đá Non Nước.
Ngọn núi Kim Sơn nằm ở phía Bắc của hai ngọn Hỏa Sơn. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy núi Kim Sơn như một chiếc chuông khổng lồ nằm úp sấp.
Tựa lưng vào núi là ngôi chùa Quan Thế Âm linh thiêng và động Quan Âm cổ kính.
Hằng năm, cứ đến tháng 2 Âm lịch, tại núi Kim Sơn sẽ tổ chức lễ hội cấp quốc gia Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử ghé đến chiêm bái.
Ghé thăm núi Kim Sơn, du khách sẽ được khám phá hang động nằm xoáy sâu trong chân núi. Hang động này dài khoảng 64m, cao 20m và rộng 10m. Trong hang động có nhiều thạch nhũ lung linh với đủ hình thù mờ ảo.
Đặc biệt, ngay ở cửa động là bức tượng thạch nhũ Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật cực đẹp.
Dưới chân là một bức tượng thạch nhũ hình con rồng uốn lượn giống như trong điển tích về Quan Âm Nam Hải.
Ngọn Hỏa Sơn nằm ở phía Tây Nam núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đối diện với núi Kim Sơn. Đây là hòn kép, gồm có hòn Dương Hỏa Sơn và hòn Âm Hỏa Sơn.
Hai hòn đá có chung một chân đá nhưng mọc tách rời nhau và được nối liền bằng một đường đá nhô cao hẳn lên. Ở giữa con đường, du khách có thể ghé thăm ngôi chùa Ứng Thiên.
Núi Dương Hỏa Sơn cao hơn núi Âm Hỏa Sơn và có vẻ đẹp hùng vĩ tuyệt đẹp. Ghé thăm núi Dương Hỏa Sơn, bạn sẽ được chiêm bái hai ngôi chùa cổ là Linh Sơn và Phổ Đà Sơn, khám phá động Huyền Vi, động Phổ Đà Sơn.
Ở phía Nam núi Dương Hỏa Sơn, bạn sẽ bắt gặp di tích đền tháp của người Chăm.
Thổ Sơn hay còn được biết đến là núi Đá Chồng - ngọn núi thấp nhất và cũng là ngọn núi dài nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn.
Nhìn từ xa, núi Thổ Sơn giống như con rồng nằm ngủ trên bãi cát. Ngọn núi có hai tầng nằm nhấp nhô trên những khối đá.
Theo người dân địa phương, núi Thổ Sơn là nơi linh địa. Từ xa xưa, nơi đây được người Chăm chọn làm nơi đồn trú và các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người Chăm ở phía Nam chân núi.
Ghé núi Thổ Sơn, bạn sẽ được vãn cảnh chùa Huệ Quang, chùa Long Hoa và tham quan các dấu tích của địa đạo, di chỉ Nam Thổ Sơn.
Núi Đá Chồng có vách đá dựng đứng và khá ít cây cối. Tại phía Đông của núi là hang Bồ Đề dài khoảng 20m và có đường thông lên cao.
Trước kia, trong hang có địa đạo núi Đá Chồng - nơi ẩn nấp và hoạt động bí mật của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Các ngọn núi thuộc quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Đến Ngũ Hành Sơn, du khách không nên bỏ lỡ Động Huyền Không, đây là hang động lộ thiên, một trong những hang động đẹp nhất của Ngũ Hành Sơn.
Khi ánh sáng chiếu vào động sẽ tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo, khiến du khách có cảm nhận như mình đang lạc bước vào tiên cảnh.
Hệ thống di tích dày đặc trong Ngũ Hành Sơn, bao gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu thờ, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm, chứa đựng tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa.
Sau khi tham quan xong Ngũ Hành Sơn, du khách có thể ghé thăm làng đá Non Nước, làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Tại đây, du khách sẽ được chìm đắm trong thế giới điêu khắc nghệ thuật giữa những tác phẩm với vẻ đẹp tinh tế được tạo ra bởi bàn tay sáng tạo của nghệ nhân.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1980; Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.
Ngày 24/12/2018, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt./.
Theo (Vietnam+) - 20/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/danh-thang-ngu-hanh-son-tuyet-tac-cua-thien-nhien-post915498.vnp