Nhắc đến Lai Châu là nhắc đến vùng đất có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, với những đỉnh núi cao kì vĩ, những hang động, thác nước nguyên sơ làm say đắm lòng người. Miền đất này còn có nền văn hóa đa sắc màu của 20 dân tộc, với những bản làng giàu bản sắc văn hóa. Tiềm năng, lợi thế đó đã và đang được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến, đưa du lịch địa phương bứt phá.
Đỉnh núi Tả Liên Sơn gió rít, mây ngàn, nhiều năm nay đã trở thành điểm khám phá ưa thích của du khách đam mê du lịch trải nghiệm và mạo hiểm. Đây là một trong 6 đỉnh núi cao trong tốp 10 của cả nước như Putaleng, Pu Si Lung, Ki Quan San, Tả Liên Sơn, Pờ Ma Lung… Vượt qua hành trình leo núi gian nan trước khi ngự trị đỉnh cao, mang đến cảm giác lâng lâng, phấn khích cho mỗi du khách.
Chị Nguyễn Chanh, đến từ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, người đã nhiều lần tham gia khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao ở Lai Châu chia sẻ: Bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng với những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, hang động, những thảm thực vật phong phú đa dạng trong hành trình chinh phục các đỉnh núi là những hình ảnh được thu vào tầm mắt của mỗi du khách. Đứng trên mỗi đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xung quanh đã mở ra cả một không gian đất trời mênh mông.
"Đây là lần thứ 4 tôi leo núi, thế nhưng mà lần nào cũng cho tôi một cảm giác rất là đặc biệt. Các đỉnh núi ở Lai Châu đều có các khung cảnh rất là tuyệt vời. Ví dụ như là các bạn sẽ nhìn được các nếp nhà ven núi khi bắt đầu cuộc hành trình và những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. Và các bạn có thể nghe được những âm thanh của tự nhiên, đấy là những điều vô vùng tuyệt vời. Và khi đứng chân ở trên đỉnh núi thì tôi cảm thấy mình đã vượt qua được cái giới hạn, thách thức đối với bản thân" - chị Nguyễn Chanh cho hay.
Cảnh quan thiên nhiên từ cánh rừng già thu hút du khách khám phá các đỉnh núi cao ở Lai Châu.
Cùng với chinh phục các đỉnh núi cao, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các bản làng văn hóa ở Lai Châu cũng đã tạo sức hút riêng cho ngành du lịch địa phương. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống, bản làng văn hóa cộng đồng các dân tộc đang là thế mạnh riêng, tạo sức hút du khách trong và ngoài nước đến với Lai Châu. Các bản du lịch cộng đồng như: Sin Suối Hồ, Vàng Pheo, Sì Thâu Chải, bản Hon, bản Lao Chải… đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.
Anh Tạ Việt Hùng, du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ, mỗi dân tộc đều có các món ăn, nét ẩm thực mang dấu ấn văn hóa riêng biệt. Đến với Lai Châu, khi về với các lễ hội, chợ phiên hay bản du lịch cộng đồng, thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống dân tộc đều tạo ra cảm giác rất thú vị cho mỗi người: "Tôi được nghe rất nhiều về món ăn mèn mén của dân tộc Mông, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến bà con nấu và thưởng thức. Cảm nhận là đặc biệt, nó khác xa so với những suy nghĩ trước đây của tôi. Tôi biết là món ăn mèn mén này được làm từ ngô, nhưng mà tôi nghĩ ngày xưa, thời bao cấp còn khó khăn, mình ăn ngô thực sự rất là khó khăn. Nhưng khi lên trên này tôi thấy cách chế biến của người đồng bào thì món này lại rất dễ ăn".
Văn hóa đặc trưng các dân tộc ít người là điểm nhấn giúp Lai Châu cán đích hơn 1 triệu lượt khách năm 2023.
Để du lịch Lai Châu bứt phá, Lai Châu đã chú trọng phát triển các loại hình du lịch như, du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với nông nghiệp; sản phẩm du lịch chợ phiên vùng cao, du lịch thể thao mạo hiểm… Cùng với đó, địa phương tập trung phát triển các dịch vụ du lịch như: lưu trú, kinh doanh lữ hành, vận chuyển tải du lịch, ẩm thực, giải trí, viễn thông…
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, nhiều năm nay, địa phương đã huy động nguồn lực đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như: du lịch mạo hiểm leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc. Năm nay Lai Châu đã đón hơn 1 triệu lượt khách, với doanh thu trên 784 tỷ đồng.
"Trong giai đoạn 2021 - 2025 chúng tôi đang tập trung triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND để đưa ra các giải pháp phát triển du lịch. Đặc biệt là chủ trương về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Và chúng tôi tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch mà Lai Châu có lợi thế, như là du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp nông thôn. Đó là những sản phẩm mà Lai Châu có thể phát triển thành những sản phẩm thế mạnh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết.
Để cụ thể hóa mục tiêu đạt 2 triệu lượt khách vào năm 2030 vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành ở Lai Châu. Tuy nhiên, việc cán mốc hơn 1 triệu lượt khách trong năm 2023 và việc thu hút khách bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đang tạo đà cho du lịch Lai Châu bứt phá.
Theo Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc- 27/12/2023
https://vov.vn/du-lich/but-pha-du-lich-lai-chau-post1068039.vov