Cập nhật: 03/01/2024 10:44:00
Xem cỡ chữ

Đến Mường Lay những ngày này mới thấy hết không khí sôi động, đầy sức sống với các hoạt động mở màn cho Năm Du lịch quốc gia- 2024 Điện Biên: Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ 9 và Giải Vô địch các CLB Dù lượn quốc gia lần thứ 4 năm 2024.

Khu tái định cư thuỷ điện Sơn La tại Mường Lay- Vẻ đẹp "phố trong bản" 

Vẻ đẹp của “phố trong bản”

Thị xã Mường Lay trước đây là thủ phủ của tỉnh Điện Biên, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có nền văn hoá đặc sắc. Mường Lay còn là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở Tây Bắc.

Năm 2023, đánh dấu mốc 70 năm thị xã được giải phóng, gắn với sự kiện lịch sử Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu.

Thị xã nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, là điểm giữa của Quốc lộ 12 kết nối với thành phố Điện Biên Phủ đi thành phố Lai Châu và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; là điểm cuối của tuyến Quốc lộ 6 từ thành phố Hà Nội qua tỉnh Hoà Bình, tỉnh Sơn La về tỉnh Điện Biên sang tỉnh Lai Châu…

Thị xã ngày càng xanh- sạch - đẹp với những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

Đồng thời, thị xã là điểm giao cắt của 3 con sông: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay; là điều kiện thuận lợi để kết nối về giao thông đường thuỷ với các huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) và Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La)… Đây cũng là ưu thế để nhân dân và du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm tại thị xã.

Thị xã Mường Lay hiện có 3 di tích: Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà tù Lai Châu, Di tích lịch sử cấp tỉnh Pú Vạp, Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh "Hang động Bản Bắc" xã Lay Nưa; có hai di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật xòe Thái và Lễ Then Kin Pang.

Khách du lịch trong trang phục phụ nữ Thái trắng

Mường Lay cũng là địa phương có nhiều đóng góp đối với 2 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại): Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (được công nhận năm 2019) và Nghệ thuật Xòe Thái (được công nhận năm 2021). Thị xã có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, với những nét đẹp đặc sắc về văn hoá, ẩm thực, lễ hội, điệu múa, điệu xoè, trang phục dân tộc rất đa dạng, phong phú.

Giới thiệu với đoàn khảo sát gồm đại diện hơn 30 công ty du lịch và cơ quan báo chí, ông Chui Văn Thành, Phó chủ tịch Thị xã Mường Lay cho biết: “Trong những năm gần đây, thị xã được Chính phủ quan tâm đầu tư thực hiện Dự án Tái định cư thuỷ điện Sơn La. Qua đó, cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay với những công trình được xây dựng khang trang, hiện đại”.

Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú homestay… được đầu tư mở rộng. Nhiều công trình dự án được xây dựng, đang từng bước hoàn thiện. Các tuyến đường nội thị được rải áp phan, hệ thống đèn chiếu sáng đô thị được đầu tư, chỉnh trang đồng bộ. Hệ thống cây xanh đa dạng, phát triển tốt là điểm nhấn cho thị xã sáng - xanh - sạch - đẹp…

Những mái nhà sàn lợp bằng đá đen vùng Mường Lay

Hiện nay, Mường Lay là một trong số những địa phương có kết cấu hạ tầng đô thị đẹp nhất vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, thị xã vẫn giữ được những nét đặc sắc rất riêng là điểm nhấn cho du khách khi đến với mảnh đất này. Đó là những "khu phố" nhà sàn lợp đá của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng soi bóng xuống dòng Đà Giang, tạo nên một vẻ đẹp của "phố trong bản", "trên bến dưới thuyền" rất đặc trưng, riêng có của Mường Lay.

“Thị xã có 4 bản vùng cao, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, giao thông đi lại thuận tiện, có những nét văn hóa độc đáo riêng. Trong đó, bản Hô Huổi Luông xã Lay Nưa đã được chọn là điểm cất cánh của bộ môn thể thao mạo hiểm dù lượn…. Đây cũng là nơi thị xã định hướng là địa điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn thu hút du khách khi đến với Mường Lay”, ông Chui Văn Thành nói.

Trong những năm qua, thị xã chú trọng khuyến khích các hợp tác xã và nhân dân tăng cường sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản của địa phương phục vụ nhu cầu của người dân trong, ngoài tỉnh và du khách.

Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 1 làng nghề truyền thống; có 3 sản phẩm của 2 hợp tác xã được xếp hạng sản phẩm OCOP là bánh khẩu xén, bánh chí chọp của hợp tác xã Hoa Ban Trắng và sản phẩm cá tép dầu sấy của hợp tác xã Na Lay.

Tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá dân tộc Thái trắng tại bản Bắc 2, xã Lay Nưa ở thị xã Mường Lay

Ông Ngôn Ngọc Khuê, Bí thư Thị ủy Mường Lay cho biết: “Lễ hội Đua thuyền đuôi én là hoạt động thường niên vào dịp Tết Dương lịch nhằm khôi phục và phát triển văn hóa dân tộc ở thị xã Mường Lay. Lần đầu tiên lễ hội được tổ chức là vào năm 2015, sau khi ổn định cuộc sống cho nhân dân tái định cư và duy trì cho đến nay”.

Lễ hội Đua thuyền đuôi én vừa tái hiện lại lịch sử hình thành, tập quán định cư, sản xuất của đồng bào Thái trắng bao đời nay gắn với dòng sông Đà vừa là không gian văn hóa tái hiện những điệu múa, câu hát dân ca, tiếng đàn tính tẩu và cả văn hóa ẩm thực. Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội này đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu năm thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến với Mường Lay.

Từ năm 2023, thị xã Mường Lay đăng cai tổ chức Giải vô địch các CLB dù lượn quốc gia lần thứ 3 và được tổ chức rất thành công. Thị xã cũng là một số ít địa phương trong cả nước đủ điều kiện để tổ chức giải dù lượn - là một bộ môn thể thao mạo hiểm để du khách trải nghiệm.

Hiện nay, thị xã đang phối hợp với Hội Dù lượn thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát nội dung bay dù lượn đường trường… Nếu khảo sát thành công thì thị xã sẽ là một điểm nhấn để thu hút du khách, phi công trong nước và quốc tế tới tham gia giải.

Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ 9 và Giải Vô địch các CLB Dù lượn quốc gia lần thứ 4 diễn ra ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 giúp Mường Lay thu hút đông đảo khách du lịch, nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay đều kín phòng

Trải nghiệm sông nước, khám phá núi rừng

Hiện tại, khách du lịch tới các điểm tham quan du lịch tiêu biểu như: Di tích lịch sử cấp tỉnh Pú Vạp, di tích lịch sử nhà tù Lai Châu, hang động bản Bắc… rất đông. Trên đỉnh Pú Vạp cao hơn 1.000m so với mực nước biển là dinh thự một thời xa hoa bậc nhất vùng Tây Bắc- nơi ở của “vua Thái” Ðèo Văn Long thủa trước. Ở đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử vùng đất này, về một thời thống khổ của nhân dân 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, vùng ngã ba sông Đà, dưới quyền cai trị của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước Đèo Văn Long.

Ngoài ra, thị xã đã tập trung khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch mới như: Du lịch sinh thái (leo núi, chèo thuyền…); Du lịch khám phá, trải nghiệm (ngắm cảnh lòng hồ, trải nghiệm đánh bắt thuỷ sản; trải nghiệm đua thuyền đuôi én, trải nghiệm ẩm thực, văn nghệ tại bản văn hóa cộng đồng, trải nghiệm làm bánh khẩu xén, chí chọp, làm ghế mây, chế tác đàn tính…); Du lịch mạo hiểm (leo núi, bay dù lượn, ván phản lực, khám phá hang động, đi bộ trong rừng…); Du lịch cộng đồng gắn với nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng.

Theo ông Chui Văn Thành, thời gian tới, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch, thị xã đưa ra 12 nhóm giải pháp: Ngoài các giải pháp về nâng cao trách nhiệm của nhân dân và các cơ quan quản lý Nhà nước, thị xã sẽ tập trung vào phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái.

Đoàn khảo sát trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ Thuỷ điện Sơn La

“Chúng tôi cũng sẽ kết nối du lịch khám phá, trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ Thuỷ điện Sơn La và các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các bản của dân tộc Thái tại khu vực đô thị, bản người Mông tại các bản vùng cao, khu vực bãi cất cánh của bộ môn dù lượn…”, ông Thành nói. Khoảng từ tháng 9 cho đến tháng 3 là thời điểm Thủy điện Sơn La tích nước. Đây là mùa nước nổi ở Mường Lay và cũng là thời điểm lý tưởng để địa phương này đón du khách trong và ngoài tỉnh.

Thị xã cũng sẽ tiếp tục củng cố phát triển thêm các sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch thể thao mạo hiểm, gắn với đó là việc tiếp tục tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én và Giải vô địch các CLB dù lượn quốc gia hằng năm, hướng tới tổ chức giải dù lượn mang tầm quốc tế.

Thưởng thức đặc sản vùng Tây Bắc với gạo nếp nương ngon hàng đầu Việt Nam

Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Điện Biên trên địa bàn thị xã như trải nghiệm núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Thị xã Mường Lay có tỉ lệ độ che phủ rừng cao nhất tỉnh (trên 65%)… là điểm nhấn để du khách đến với Mường Lay vừa trải nghiệm sông nước, vừa khám phá núi rừng…

“Chúng tôi cũng định hướng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh. Hiện tại thị xã đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu văn hóa tâm linh, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Hoàn thiện về thủ tục, trình tự để đầu tư Khu nghỉ mát Pú Vạp để phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cũng như các sản phẩm du lịch giải trí khác… Qua đó, sẽ góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên địa bàn thị xã”, ông Thành thông tin tới đoàn khảo sát.

Hội thi ẩm thực dân tộc "Mường Lay điểm hẹn" diễn ra đúng dịp Tết Dương lịch 2024

Bên cạnh đó, Mường Lay tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh trên địa bàn như: Khu nghỉ mát Pú Vạp, khu nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng ở các bản vùng cao, gắn với trải nghiệm dù lượn…. Kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thu hút khách đến với thị xã, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, hưởng lợi từ các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến 2030, thị xã sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Điện Biên thuộc phân vùng 3 của Đề án. Trong đó, có tuyến du lịch đường thuỷ (Mường Lay - Sơn La - Hoà Bình và ngược lại); tuyến du lịch đường bộ (Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ - Mường Lay - Lai Châu - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội) và ngược lại; tuyến du lịch quốc tế (từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng - Mường Lay - Điện Biên Phủ). Đặc biệt, Cảng hàng không Điện Biên đã được khánh thành, đưa vào khai thác từ tháng 12.2023 là điều kiện vô cùng thuận lợi.

Theo baovanhoa.vn - 02/01/2024

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/73316/dua-muong-lay-thanh-mot-trong-nhung-trung-tam-du-lich-trong-diem-cua-tinh-dien-bien