Cập nhật: 10/01/2024 08:18:00
Xem cỡ chữ

Nhiều mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng tại các làng quê ở Quảng Nam đã định hình được thương hiệu, đang là những mô hình phát triển bền vững, thu hút khách. Từ đó, góp phần đánh thức, phát huy bền vững các giá trị văn hóa bản địa của từng địa phương. 

Khai thác giá trị văn hóa khác biệt để tạo sản phẩm du lịch

Cùng với xu hướng chung, du lịch nông thôn tại Quảng Nam đang dần trở thành mô hình được du khách lựa chọn trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại thu nhập cho cộng đồng, đề cao quyền làm chủ, phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. 

Du khách tham gia Lễ hội xuống đồng năm 2024 với nông dân Cẩm Châu, Hội An

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng du lịch nông thôn, quá trình đô thị hóa, nhiều vùng nông thôn xứ Quảng cũng đứng trước những thách thức giữa vấn đề về bảo  tồn các giá trị văn hoá vùng nông thôn, sự hài hoà giữa phát triển kinh tế, xã hội làm sao để vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt, các giá trị văn hoá đặc sắc ở mỗi địa phương, vùng miền... 

Lời giải cho những băn khoăn này được minh chứng bằng những mô hình du lịch nông thôn đã định hình được thương hiệu ở Quảng Nam.  Các mô hình này đều hình thành và phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên của thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương, do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Những cách làm này là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn. Một khi đời sống ổn định, người dân địa phương sẽ trân quý, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa dân gian của địa phương mình, hướng tới mục tiêu môi trường.  

Nói đến Quảng Nam, có thể nhắc đến những làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì sản xuất, kết hợp làm du lịch cộng đồng ở đồng bằng như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu- Cẩm Thanh (Hội An), làng cổ Lộc Yên ( Tiên Phước), đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), chiếu Bàn Thạch, lụa Mã Châu (Duy Xuyên),… lên đến những làng du lịch cộng đồng ở khu vực các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My,…

Vẻ đẹp của cánh đồng lác xanh rì tại làng chiếu Bàn Thạch

Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…
Trong thời gian gần đây, các mô hình nói trên ngày càng định hình, phát triển theo xu hướng du lịch Xanh đang được nhiều du khách ưa thích lựa chọn. Xanh từ mô hình đến những hành động lan tỏa để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của vùng quê từ đồng bằng, miền núi, làng chài,…Không chỉ làm du lịch, mà các sản phẩm  OCOP- sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị cũng sẽ được tiêu thụ, lan tỏa mang lại thu nhập cho người dân. 

Đánh thức văn hóa bản địa

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại, ở Quảng Nam đã có 19 điểm du lịch cộng đồng đã đưa vào đón khách, trong đó 07 điểm có Ban quản lý điểm du lịch, 7 điểm đã thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã. 
Ở những mô hình này, người dân địa phương, nghệ nhân là những hướng dẫn viên địa phương, giới thiệu cho khách tham quan lịch sử làng quê truyền thống, dạy và cùng du khách trải nghiệm những đặc trưng văn hóa như hát bả trạo, trồng lúa, trồng rau, làm gốm, trải nghiệm ẩm thực và văn hóa vùng cao,… Chính cư dân địa phương là người giữ gìn, bảo tồn văn hóa địa phương và hưởng lợi từ các giá trị ấy thì mới bền vững. Nghệ nhân sẽ tâm huyết với văn hóa truyền thống, trao truyền cho giới trẻ. Có thu nhập từ chính giá trị khác biệt của làng quê là cách để giữ chân người giỏi, người trẻ ở lại với làng và có những sáng tạo rất trẻ, hợp thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của làng. 
Nhiều điểm du lịch, không gian mới ở những vùng quê nổi tiếng của Quảng Nam do chính những người trẻ ở làng khởi xướng theo xu hướng du lịch xanh, khởi nghiệp từ nghề, từ văn hóa truyền thống của làng đang thu hút du khách trong và ngoài nước. Chẳng hạn như công viên đất nung ở làng gốm Thanh Hà, không gian nghệ thuật Củi Lũ tái sinh phế liệu, kết hợp với điêu khắc mộc Kim Bồng, tour “Một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế, tour trải nghiệm cỡi trâu, trồng lúa nước, học làm ngư dân khám phá nghệ thuật hò bả trạo, hò khoan trên sông nước ở Cẩm Thanh, trải nghiệm văn hóa của đồng bào Cơ tu, Ca Dong ở các làng du lịch cộng đồng ở miền núi Quảng Nam,…

Du khách tập gói bánh ốc cùng đồng bào ở làng văn hóa Cao Sơn, Bắc Trà My

Các địa phương, doanh nghiệp du lịch đang đầu tư vào mô hình du lịch nông thôn ở Quảng Nam cũng chú trọng thiết kế thêm những sản phẩm du lịch nông thôn phù hợp với thị hiếu, sở thích để thu hút du khách nội địa đến với Quảng Nam. 
Đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu tố như: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến) phải chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo các yếu tố môi trường, hệ sinh thái, kết nối với các điểm du lịch khác; Phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch; Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn,…

Theo baovanhoa.vn - 05/01/2024

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/73388/phat-trien-du-lich-ben-vung-tu-di-san-van-ho%cc%81a-ba%cc%89n-di%cc%a3a