Cập nhật: 24/01/2024 07:49:00
Xem cỡ chữ

Du khách đến với Đường Lâm để trải nghiệm làm nghề truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống tại Đình cổ Mông Phụ, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ.

"Tết làng Việt" 2023 tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Tết làng Việt" 2023 tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết Chương trình “Tết làng Việt” 2024 sẽ diễn ra từ ngày 20-21/1 (tức từ ngày 10/11 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

"Tết làng Việt” 2024 nhằm quảng bá những giá trị văn hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch Làng cổ Đường Lâm đến du khách, đặc biệt là người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội.

Chương trình đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến từ các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và khách các nước hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội cùng đông đảo doanh nghiệp lữ hành Thủ đô tới trải nghiệm.

Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức với mục tiêu giữ gìn truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Chương trình "Tết làng Việt” được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như các hoạt động giới thiệu Tết Việt thông qua tour trải nghiệm trọn vẹn những nét đẹp truyền thống của Tết Việt. Du khách được tìm hiểu và trải nghiệm không gian chợ Tết truyền thống với những gian hàng giới thiệu đặc sản Đường Lâm; sản phẩm thủ công làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền, từ ông đồ viết thư pháp, nặn tò he, đến gọt hoa thủy tiên; trải nghiệm các trò chơi dân gian...

Cùng với đó, khách du lịch còn được giới thiệu về các phong tục truyền thống trong dịp Tết như lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép... được tổ chức tại một ngôi nhà cổ của hộ dân trong làng. Tại sân đình Mông Phụ đã tổ chức trưng bày giới thiệu về mâm cỗ ngày Tết. Du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết của người dân Đường Lâm; trải nghiệm gói bánh chưng, gói giò ngày Tết.

tet-lang-viet-4715.jpg

Tại sân đình Mông Phụ, du khách được hưởng trọn không khí Tết truyền thống thông qua các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương, như bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía và đặc biệt là món thịt quay đòn nổi tiếng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngoài ra, chương trình "Tết làng Việt” cũng giới thiệu đến du khách những trải nghiệm về nghề truyền thống và sản phẩm thủ công tại không gian nghề làm tương truyền thống của gia đình ông Hà Hữu Thể, xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, không gian Đoài Creative và Đoài Comunity của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng.

Khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước, các trò chơi dân gian truyền thống như bắt chạch trong chum, chọi gà, bịt mắt đập niêu... Tại đây cũng diễn ra triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây; tổ chức nghệ thuật truyền thống tại sân đình Mông Phụ.

Nằm cách trung tâm Hà Nội 45km, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị cùng các phong tục, tập quán của một làng Việt cổ.

Làng cổ Đường Lâm không chỉ được biết đến là “đất hai Vua” - Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (808-944), cũng là mảnh đất sinh ra sứ thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII; cùng với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ mà nơi đây còn sở hữu những tri thức dân gian truyền thống lâu đời, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực.

Làng cổ lại nằm ngay giữa một khu di tích với các điểm du lịch hấp dẫn như Đền Và, chùa Thầy, chùa Tây Phương, các khu cảnh quan Đồng Mô, Suối Hai, Đá Chông... Nhiều công trình cổ cho tới nay vẫn giữ được các kiến trúc cổ như đình, chùa.

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ nguyên những đặc điểm cổ kính với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… và 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây; trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

duonglam-7824.jpg

Ngõ nhỏ ở Đường Lâm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, vẻ quyến rũ dễ nhận thấy nhất ở Đường Lâm là những ngôi nhà được xây dựng bằng những nguyên liệu đặc biệt: đá ong. Hầu như ở tất cả các công trình kiến trúc gắn với đời sống của người dân Đường Lâm đều có sự hiện diện của đá ong, bùn ao.

Đã vài trăm năm tuổi nhưng những bức tường đá ong vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và tạo nên một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian vô cùng đặc sắc. Sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá ong rất dễ chịu, thoải mái, tường nhà không bị ẩm mốc, mùa hè thì mát mẻ bởi đá ong là thứ vật liệu có kết cấu rỗng, có khả năng trao đổi không khí.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách còn được thỏa mãn phần nào khi đắm mình trong không gian trong lành, thanh bình và thưởng thức những món ẩm thực đậm chất quê như gà mía, tương, chè lam, các loại bánh kẹo truyền thống.

Với những cảnh quan và ẩm thực đậm chất làng quê, trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.

Nhiều năm qua, Làng cổ Đường Lâm cũng nhận được tư vấn, hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức trong nước, quốc tế, các nhà khoa học trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích./.

Theo (Vietnam+) - 22/01/2024

 https://www.vietnamplus.vn/gioi-thieu-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tai-lang-co-duong-lam-post920261.vnp