Năm 2024, thị trường chứng khoán được nhiều chuyên gia nhận định sẽ “sáng hơn”, khi nhiều yếu tố nền tảng từ trong nước và thế giới sẽ hỗ trợ tích cực hơn.
Nhiều yếu tố hỗ trợ, "nâng đỡ" thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2023 tương đối thành công khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 12,2% so với cuối năm 2022 và hồi phục đến 23,9% từ đáy trung hạn vào giữa tháng 11/2022. So với các thị trường khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc..., tăng trưởng trong năm 2023 của VN-Index vẫn rất khả quan.
Bước sang đầu năm 2024, VN-Index tiếp đà hồi phục mạnh. Chỉ số tăng liên tiếp trong những phiên giao dịch đầu năm. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh, trong 5 phiên đầu tiên của năm 2024, thanh khoản đã lên tới 17.000 tỷ đồng, có những phiên thị trường giao dịch vượt 1 tỷ USD, trong khi đó, khối ngoại giảm bán ròng.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán năm 2024 (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng hơn đến từ sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và cả yếu tố nội tại của thị trường.
Nhận định về triển vọng của TTCK trong năm 2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VIDIRECT cho biết, định giá thị trường đang tương đối hấp dẫn. P/E hiện tại đạt 13,9 lần, thấp hơn 7,3% so với mức P/E trung bình 5 năm. Trong kịch bản tích cực, VIDIRECT dự báo VN-Index đóng cửa năm 2024 ở mốc 1.430 điểm, tăng 27% so với năm 2023, theo đó, P/E dự báo đạt 15,0 lần với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đạt 18%.
VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE sẽ phục hồi trong năm 2024 sau giai đoạn trầm lắng của 2022 – 2023 với mức tăng trưởng 18% theo kịch bản tích cực, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
“Chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng của VN-Index có thể hình thành trong năm 2024. Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phục hồi nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi; miễn giảm thuế và cải cách tiền lương sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng; thị trường bất động sản dự kiến ấm dần lên trong nửa sau 2024; mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong 2024 giúp củng cố tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng. Lợi nhuận tăng trưởng có thể tác động tích cực tới diễn biến VN-Index giống các năm 2015, 2017 và 2021. Lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng trở lại sau giai đoạn sụt giảm thường kéo theo thị trường phục hồi tích cực”, chuyên gia của VIDIRECT nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, năm 2024 thị trường chứng khoán có nhiều điểm sáng, đây có thể là giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, FED sẽ không còn tăng lãi suất và có khả năng FED sẽ giảm lãi suất, tuy nhiên, thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào đà hạ nhiệt của lạm phát.
Bên cạnh đó là câu chuyện tăng trưởng kinh tế, năm 2023 với mức nền tăng trưởng khá thấp của kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, điểm sáng là chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2024, nền kinh tế thế giới có thể sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2023, khi kinh tế của các nước phát triển như Mỹ, châu Âu hồi phục sẽ giúp kinh tế Việt Nam hồi phục và trở thành bàn đạp cho thị trường chứng khoán.
Xét riêng về TTCK, ông Minh cho rằng, trong năm 2024 sẽ có hai câu chuyện hỗ trợ thị trường. Đầu tiên là dự kiến hệ thống KRX được đưa vào hoạt động sớm trong năm 2024. Từ đó, có thể triển khai được những sản phẩm tài chính thích hợp trên thị trường trong năm nay. Ngoài ra, không thể bỏ qua là kế hoạch triển khai sản phẩm phái sinh theo chỉ số VN100 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thứ hai, đó là việc nâng hạng thị trường, đến tháng 9 năm 2024 kỳ vọng FTSE sẽ có quyết định về việc nâng hạng thị trường khi giải quyết được yếu tố về tỉ lệ ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài.
TTCK sẽ có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng từ mốc 1.130 điểm cuối năm 2023 lên mức hơn 1.169 điểm, thanh khoản chung có xu hướng tăng dần trong 3 tuần đầu tháng 1/2024, cải thiện đáng kể so với những tuần cuối năm 2023.
“Đây là những tín hiệu tích cực của TTCK Việt Nam đầu năm 2024 với những kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4/2023 sẽ khả quan hơn các quý trước. Đồng thời, năm 2024, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để hồi phục trở lại sau nhiều khó khăn thách thức của năm 2023”, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá.
TTCK sẽ có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng (Ảnh mimh họa: KT)
Năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục được dự báo diễn biễn phức tạp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, với sự điều hành linh hoạt và những giải pháp quan trọng của Chính phủ và những nền tảng đã đạt được trong năm 2023, TTCK sẽ có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng theo hướng bền vững trong năm 2024, cũng như các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Việt Nam cùng các công ty con và Trung tâm Lưu ký, bù trừ chứng khoán Việt Nam tập trung mọi nỗ lực để triển khai phát triển TTCK một cách bền vững, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tầm nhìn dài hạn cho mục tiêu phát triển bền vững TTCK; đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các Sở và VSDC. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hỗ trợ TTCK hoạt động ngày càng minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin của thị trường.
Thứ trưởng tin tưởng với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và những giải pháp nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2024 phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN – 24/1/2024
https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/cua-sang-cho-thi-truong-chung-khoan-nam-2024-post1073462.vov