Cập nhật: 24/01/2024 09:50:00
Xem cỡ chữ

Khi thời tiết lạnh sâu, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tăng đột biến tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Thời tiết lạnh làm ảnh hưởng đến các yếu tố như: adrenaline, noradrenaline và renin gây ra co mạch ngoại biên, tăng sức cản mạch máu ngoại biên và tăng huyết áp dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Bệnh nhân nằm cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân nằm cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai

Nhập viện vì viêm phổi mãn tính tăng đột biến

Ghi nhận tại một số bệnh viện tuyến Trung ương những ngày rét đậm, rét hại gần đây, số người đến khám giảm bớt so với trước. Tuy nhiên, chính vì việc trì hoãn đi khám ngày lạnh khiến cho những trường hợp đến viện đều trong tình trạng nặng nề. Rét đậm, rét hại tác động mạnh đến những đối tượng có bệnh lý mãn tính.

Ông T.V.T. (72 tuổi, tỉnh Hòa Bình) mắc phổi tắc nghẽn từ năm 2012. Trung bình mỗi năm ông vào viện 3-4 lần. Đợt này rét đậm khiến căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bóp nghẹt đường thở của ông, phải chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lên Bệnh viện Bạch Mai.

Khi vào viện, bác sĩ nhanh chóng cho thở oxy gọng và tiếp tục điều trị triệu chứng, thêm thuốc giãn cơ. Sau đó, bệnh nhân sẽ về Trung tâm Hô hấp tiếp tục điều trị theo phác đồ COPD.

Bệnh nhân T.V.T. (65 tuổi) được đưa vào cấp cứu vào sáng 22/1 tại Trung tâm A9 trong tình trạng khó thở, tắc nghẽn phổi cấp tính. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy thở để cấp cứu hồi sức tích cực.

Người bệnh bị tắc nghẽn phổi mạn tính đã lâu, trong đợt không khí lạnh này bất ngờ khó thở, suy hô hấp.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu - Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi thời tiết lạnh sâu, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do COPD tăng đột biến. Trung bình, Trung tâm cấp cứu A9, tiếp nhận 20-30 ca/ngày trong đó 10% phải thở máy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, thông tin, hiện nay có xu hướng gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Số ca cấp cứu nội khoa tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong thời gian này chủ yếu là các bệnh lý xuất huyết tiêu hóa (do uống rượu, xơ gan vỡ tĩnh mạch thực quản), COPD, đột quỵ, bệnh lý tim mạch (cơn tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim)...

Rét đậm, rét hại, gia tăng ca bị đột quỵ, viêm phổi mãn tính ảnh 1

Nhiều ca nhập viện bị suy hô hấp

Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu, số ca bệnh liên quan tới đột quỵ, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể.

Theo Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang là gánh nặng lên sức khỏe, kinh tế và xã hội. Đây là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ mắc bệnh này là 9% dân số, cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở những người có độ tuổi trên 40 tuổi.

Một trong những biện pháp phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn là tiêm phòng vaccine. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm phòng vaccine phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19, virus hợp bào hô hấp và zona.

Khi thời tiết lạnh, người có bệnh nền sẵn cần tuân thủ điều trị, giữ ấm cơ thể. Nếu người bệnh có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị.

Gia tăng ca bệnh đột quỵ

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh tim mạch tăng cao hơn vào mùa đông lạnh giá.

Khi thời tiết lạnh sâu, số ca bệnh liên quan tới đột quỵ, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, qua nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cũng như thế giới đã cho thấy mối quan hệ giữa thời tiết lạnh và tỷ lệ đột quỵ tăng lên đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tàn tật và tử vong cao. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 60-80% tổng số trường hợp đột quỵ.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình cứ bốn phút lại có một người ở Hoa Kỳ chết vì đột quỵ. Tại Việt nam, đột quỵ đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm tuổi cao, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, bệnh tim mạch vành, rung tâm nhĩ, bệnh van tim, béo phì và thiếu tập thể dục.

Tăng huyết áp, được định nghĩa là huyết áp > 140/90 mmHg, là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ . Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng khoảng 70-80% bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ có tăng huyết áp.

Tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng đáng kể vào mùa đông, đặc biệt khi nhiệt độ giảm mạnh. Các nghiên cứu cho thấy thời tiết lạnh hơn làm cho các mạch máu co lại, có thể làm tăng huyết áp - một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ.

Cụ thể là thời tiết lạnh làm ảnh hưởng đến các yếu tố như: adrenaline, noradrenaline và renin gây ra co mạch ngoại biên, tăng sức cản mạch máu ngoại biên và tăng huyết áp.

Lạnh có thể dẫn đến giảm sản xuất yếu tố gây giãn mạch như oxit nitric (NO) dẫn đến tăng huyết áp. Qua nghiên cứu trên 57.375 người của tác giả Xiuhui Chen tại Trung Quốc năm 2019 cho thấy, khi nhiệt độ giảm 10 độ C huyết áp trung bình sẽ tăng 6,9/2,9 mm Hg, một nghiên cứu khác cho thấy mỗi khi nhiệt độ môi trường tăng 10 độ C thì khi tăng mỗi 1 độ C huyết áp tâm thu giảm 0,4 mmHg, Huyết áp tâm trương giảm 0,28 mmHg.

Ngoài ra, nhiệt độ thấp có thể ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết và thúc đẩy hình thành trạng thái tăng đông máu cụ thể là nhiệt độ thấp làm giảm thời gian Thromboplastin và tăng ngưng kết tiểu cầu thúc đẩy hình thành huyết khối gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Từ các bằng chứng trên cho thấy, nhiệt độ thấp là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ.

Chú ý các biểu hiện của cơ thể khi trời lạnh

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế hướng dẫn người dân cần chú ý các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe;

Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp;

Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; Biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay;

Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

Theo nhandan.vn – 24/1/2024

https://nhandan.vn/ret-dam-ret-hai-gia-tang-ca-bi-dot-quy-viem-phoi-man-tinh-post793411.html