Cập nhật: 28/01/2024 07:36:00
Xem cỡ chữ

Thời tiết lạnh giá không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú có xu hướng tăng, chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ… Lý do vì trời lạnh gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Người bệnh cũng ít quan tâm đến huyết áp hơn so với mùa hè.

Về bản chất thời tiết lạnh không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ.

Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh - 1

Khi có dấu hiệu đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng "thời gian vàng" (Ảnh: H.L).

Đột quỵ xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì… Khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt, những trường hợp này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe hoặc thậm chí chỉ việc quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc.

Đồng thời nhanh nhất kết nối đơn vị y tế hoặc đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 và hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng".

Theo bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, những trường hợp dưới đây có nguy cơ cao bị tai biến:

- Có những cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân.

- Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim.

- Luôn cảm thấy mệt mỏi khó thở nhiều, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút.

- Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường

- Béo phì, thừa cân, ít vận động.

- Hút thuốc lá thường xuyên hoặc uống rượu bia nhiều.

- Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

- Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi.

- Với những người từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trời lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nặng/tái phát các bệnh nói trên.

Để giữ sức khỏe trái tim, theo PGS Hiền, điều quan trọng người bệnh cần lưu ý là không được bỏ thuốc, uống đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Chú ý đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, người dân cần duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý… Tuy nhiên, cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

Đồng thời, vẫn cần thực hiện tiết chế dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, tránh ăn nhiều dầu mỡ hơn, hút thuốc, uống rượu.... Bên cạnh đó, cần uống đủ nước đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. 

Người dân cũng cần lưu ý, tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm. Không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng.

Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh - 2

Theo dantri.com.vn - 27/1/2024

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-nguoi-co-nguy-co-bi-dot-quy-khi-troi-lanh-20240127082028306.htm