Cập nhật: 04/02/2024 10:08:00
Xem cỡ chữ

Mâm cơm ngày Tết thường nhiều các món ăn giàu đạm và tinh bột song thai phụ vẫn nên thực hiện chế độ ăn uống cân đối, hợp lý, tránh nạp quá nhiều năng lượng dẫn đến nguy cơ thừa cân và mắc đái tháo đường.

Trong những ngày Tết, các gia đình thường có sẵn nhiều loại đồ ăn, thức uống và bánh kẹo. Do đó, trong dịp này mọi người thường động viên bà bầu tranh thủ ăn uống bồi bổ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chế độ ăn uống mất cân đối ngày Tết có thể khiến mẹ bầu đối diện nguy cơ mắc đái tháo đường.

“Trong quá trình khám và theo dõi sức khỏe cho các mẹ bầu, chúng tôi nhận thấy các bà mẹ và người nhà thường lo ăn uống không đủ chất. Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ như chúng tôi lo ngại là nhiều mẹ bầu đang bị tăng cân quá nhanh, thừa cân do nạp quá nhiều năng lượng, đặc biệt là các mẹ bầu ở thành phố. Trong khi đó lại vẫn thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, can xi...Khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản TW cho thấy, cứ 10 thai phụ thì có 3 trường hợp bị đái tháo đường. Với chế độ ăn thường ngày, tỉ lệ mẹ bầu bị tiểu đường đã cao như thế. Nếu như ăn theo chế độ Tết, với bánh chưng, đồ ngọt, mứt Tết, thực phẩm chế biến sẵn... tình trạng thừa cân hay tiểu đường của các mẹ bầu sẽ ngày càng nghiêm trọng” – BS Phan Chí Thành khuyến cáo.

me bau an uong the nao de ngay tet vui khoe hinh anh 1

Nếu người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc thực sự mắc bệnh đái tháo đường type 2 sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Đặc biệt, trong những ngày Tết, mặc dù các bệnh viện đều trực 24/24 song đối với các thai phụ, việc khám và theo dõi thai không thể sát sao như những ngày thường. Đồng thời tâm lý mọi người đều ngại phải đến bệnh viện. Do đó, khi đường huyết tăng quá cao mà không được phát hiện, bà mẹ và thai nhi có thể bị gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như hôn mê, mất tim thai, sảy thai, sinh non...

Để phòng ngừa nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường máu trong dịp Tết, bác sĩ Phan Chí Thành khuyên các bà mẹ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý.

“Trong ngày Tết, mỗi bữa ăn vẫn cần đảm bảo một nửa khẩu phần là rau củ và trái cây. Sau khi ăn no rau quả, bà mẹ mới nên chuyển sang ăn các thức ăn có chất đạm và tinh bột. Thực tế, trong mâm cơm, người Việt Nam chúng ta thường bày tỏ lòng hiếu khách bằng cách gắp cho khách những miếng thịt ngon nhất. Tuy nhiên, ngày nay, cái quý nhất có lẽ là rau củ quả. Ngày Tết, các loại rau khá đắt và hiếm hơn bình thường. Do đó, các mẹ bầu nên trữ sẵn rau củ quả để có thể tiện chế biến, nấu nướng trong dịp Tết”- BS Phan Chí Thành hướng dẫn.

Cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, trong những ngày Tết và khi du xuân, phụ nữ mang thai nên chú ý đảm bảo vệ sinh ăn uống, phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Trong những ngày Tết, gia đình nào cũng chế biến sẵn và tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. BS Phan Chí Thành lưu ý, khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, thực phẩm chín phải để riêng trong hộp kín hoặc ngăn riêng, khi sử dụng cần đun lại kỹ nhằm diệt hết vi khuẩn nếu có.

"Với các loại thực phẩm tươi sống như rau sống, salad, món nộm... nếu chế biến tại nhà và đảm bảo rửa kỹ, an toàn thì mẹ bầu có thể sử dụng. Tuy nhiên, khi đi ăn uống tại các hàng quán, mẹ bầu tuyệt đối không ăn các loại rau sống hoặc các loại gỏi cá, gỏi tôm, thịt tái sống...Bởi trong dịp Tết và mùa lễ hội, các hàng quán thường ít người phục vụ mà lại đông khách, do đó rất khó đảm bảo việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu thai phụ bị ngộ độc thực phẩm thì cũng rất nguy hiểm cho cả mẹ và con, do đó, các mẹ bầu nên chú ý thức hiện ăn chín uống sôi để phòng ngừa nguy cơ này", BS Phan Chí Thành nhấn mạnh.

Theo Ánh Tuyết/VOV2 - 31/01/2024

https://vov.vn/suc-khoe/me-bau-an-uong-the-nao-de-ngay-tet-vui-khoe-post1074679.vov