Cây nêu là cây tre già dài 15m, do các lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình thực hiện, cây nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc.
Tục lễ dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của nhiều nước Á Đông. Tại Việt Nam, tục lệ này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp.
Theo các nhà nghiên cứu, lễ dựng nêu ngày Tết là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc của văn hóa xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô. Ngay sau khi tổ chức tại Thế Tổ Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự.
Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán. Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đứng làm chủ tế trong lễ rước.
Đoàn rước trên đường vào Thế Miếu
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức rất trang trọng. Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.
Biểu tượng rồng trên cờ phướn trong đoàn rước cây nêu.
Du khách đến Cố đô Huế dịp này hết sức thích thú và ấn tượng khi được theo dõi lễ dựng cây nêu - một nét đẹp văn hóa tại Việt Nam.
Một du khách chăm chú ghi hình khi tham dự lễ thượng nêu tại Huế vào sáng 2/2.
Theo quan niệm dân gian, cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ và những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 Tết.
Trong lễ dựng nêu, các nghi thức được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu dựa trên các nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn.
Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn báo hiệu Tết đến xuân về.
Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng Chạp (hay còn gọi là ngày cúng ông Công, ông Táo), như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết.
Theo CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN - 02/02/2024
https://vov.vn/van-hoa/di-san/dung-neu-don-tet-trong-khu-di-tich-co-do-hue-post1075266.vov