Những ngày Tết đến, xuân về, có dịp về với vùng đất thân thương nơi cuối trời Tổ quốc - Mũi Cà Mau, mỗi người khi đến nơi này có dịp khám phá những khu rừng với một màu xanh bạt ngàn; thưởng thức nhiều món ngon dân dã và trải nghiệm nhiều điều thú vị nét văn hóa đón Tết của người dân nơi này.
Những ngày giáp Tết, không khí nơi tận cùng Tổ quốc thật rộn ràng, vui tươi. Trên những dòng kênh mát rượi xuyên rừng ở xã Đất Mũi với 2 bên là những cánh rừng đước xanh mát mắt. Điểm xuyến trong những ngày cận Tết là nhiều chiếc giỏ lãi xuôi ngược chở những giỏ cúc, vạn thọ vàng tươi mua từ chợ Đất Mũi để rước xuân về nhà.
Vào những ngày cuối năm gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển tạm gác lại công việc bận rộn thường ngày, bắt tay trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Năm nay, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, gia đình ông Tư Nhuần cũng kịp chuẩn bị nhiều món ăn đặc sản quê nhà để tiếp đón và biếu tặng bạn bè, người thân. Để không khí ngày xuân thêm vui tươi ông Tư Nhuần còn chăm sóc, cắt tỉa dàn hoa kiểng, cây cảnh trước nhà và dọc theo hàng rào ven đường để những bông hoa xinh tươi được khoe sắc thắm vào dịp tết đến, xuân về.
"Ở đây bà con đoàn kết lắm, đi từng nhà thăm hỏi ngày Xuân, để trao đổi việc mần ăn. Ở đây an ninh trật tự, xuồng máy để dưới kênh mấy ngày Tết không vấn đề gì. Vùng này Tết thì cá tôm mình bắt được làm khô. Bánh kẹo mua thủ thêm ngoài chợ để ăn Tết. Ở đây thì tôm cua cũng chuẩn bị để anh em lại nhà vui chơi, ăn hải sản là chính", ông Nguyễn Văn Nhuần cho biết.
Mũi Cà Mau là điểm cực Nam trên đất liền của nước ta, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Trên con đường nho nhỏ, xuyên rừng mùa xuân, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết tổng diện tích đất của Vườn khoảng 41.862 ha. Nơi đây được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL của du khách trong nước và quốc tế.
Bảo vệ rừng ở Cà Mau với hệ thống quan sát, kiểm tra hiện đại.
Thời điểm này, những ngày tết đến, xuân về, Vườn Quốc gia đều tổ chức để các trạm chốt ăn Tết với cư dân sinh sống, bảo vệ rừng nơi đây. Trong đó, cách mà bà con ăn Tết còn giữ được nét rất riêng như chuẩn bị tôm khô, củ kiệu, khô cá kèo, khô cá lóc đồng; ép chuối khô làm mứt, trồng những cây cải tùa xại làm dưa hay chuẩn bị những sản vật mà bà con đánh bắt hay nuôi trồng dưới tán rừng...
"Hầu hết lực lượng chức năng tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng chúng tôi ăn Tết trước hoặc sau. Dịp vui xuân đón Tết là những ngày chúng tôi vất vả, trong đó kể cả lực lượng phối hợp và lực lượng phục vụ du lịch; các khu du lịch cộng đồng cũng thế. Để qua đó, chúng tôi bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm", ông Lê Văn Dũng chia sẻ.
Đường nông thôn Cà Mau ngày càng được quan tâm đầu tư.
Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài trong năm. Đây là cơ hội để kích cầu du lịch. Chính vì vậy, đối với cư dân vùng đất Mũi, việc khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch sinh thái rừng là một trong những điểm nhấn đang được quan tâm và đẩy mạnh ở khu vực này.
Ông Nguyễn Minh Đua, chủ điểm du lịch cộng đồng Hải Nam, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển chia sẻ dù vùng đất này không sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nhưng Mũi Cà Mau níu chân lữ khách xa gần bằng cái tình, cái nghĩa của người miền Tây chân chất, của rừng đước bạt ngàn, của biển khơi mênh mông và hương vị ẩm thực độc đáo. Về với nơi đây vào những ngày nghỉ Tết, du khách có dịp được khám phá thiên nhiên rừng biển hoang sơ nơi bãi bồi Đất Mũi, được thỏa sức trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ với các loại hình du lịch đặc sắc như: Câu cua, xổ tôm giăng lưới bắt cá…
Theo ông Đua, chính yếu tố môi trường sinh thái tự nhiên, hoang sơ là nét rất riêng, độc đáo của Đất Mũi - Cà Mau: "Thứ nhất là môi trường. Đây là xu hướng trong nước và quốc tế. Những hộ làm du lịch cộng đồng như tôi phấn khởi lắm vì khách thích hoang sơ, sinh thái. Thứ hai là thức ăn ở đây là hoàn toàn thiên nhiên. Du khách đến đây chơi Tết thích lắm. Tất cả nhu cầu của khách mình đáp ứng hết. Du khách đến đây có thể trải nghiệm giăng lưới, đặt lờ, soi ba khía... Những ngày lễ Tết du khách đông lắm, gần như quá tải".
Nhiều món ăn đặc sản quê nhà Cà Mau để tiếp đón và biếu tặng bạn bè, người thân.
Những cư dân đất Mũi chia sẻ, khám phá Vườn quốc gia Mũi Cà Mau dịp Tết, du khách có cơ hội đắm chìm vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, quan sát và tìm hiểu những loài sinh vật sống dưới tán rừng. Bãi bồi Đất Mũi là nơi dừng chân lý tưởng để du khách nhìn những đàn chim di trú, quan sát thế giới sinh vật sinh động, ngắm nhìn cánh rừng đước bạt ngàn, trải nghiệm cuộc sống của người dân Đất Mũi.
Vốn được mệnh danh là “rừng vàng, biển bạc” nên đến Đất Mũi, du khách không chỉ được khám phá khung cảnh thiên nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn, mà còn được trải nghiệm tour du lịch làm người dân Ðất Mũi. Anh Nguyễn Văn Hôn, chủ điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Đất Mũi cho biết thú vui hấp dẫn khi đến đây là ngắm ánh hoàng hôn buông lơi trên bờ biển. Vì thế, sau khi thám hiểm hệ sinh thái rừng ngập mặn, du khách di chuyển đến bãi bồi nằm ở phía Tây huyện Ngọc Hiển để bắt lấy khoảnh khắc thơ mộng đẹp đến nao lòng.
Tôm khô - đặc sản Cà Mau.
"Rất mừng nữa là chỗ lưu trú. Chúng tôi cũng làm nhiều cách để phù hợp chỗ ở cho du khách ở dưới tán rừng. Du khách về đây không lo thiếu chỗ lưu trú hay chỗ ở không tiện nghi nữa. Chúng tôi cố gắng làm bên ngoài hòa hợp với thiên nhiên, hoang sơ nhất nhưng bên trong thì tiện nghi, an toàn. Chúng tôi lúc nào cũng cố gắng để phục vụ du khách, không phụ lòng khách đường xa đến với Cà Mau", Anh Nguyễn Văn Hôn cho biết.
Còn ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau vùng đất này ngày càng thay da đổi thịt. Bà con nơi đây chí thú sản xuất, nuôi trồng. Giờ đây còn năng động trong cách nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập, để gắn bó với đất rừng như máu thịt mình: "Du lịch gắn với rừng rất phát triển. Tỉnh đã xác định đây là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn. Do vậy bà con giờ thay đổi tư duy. Họ thấy được lợi ích trong đó. Nếu như trước đây bà con chưa hiểu, chưa thấy được cái lợi thì còn nhiều khó khăn khi du khách đến đây. Lý do sợ chạy hư đường. Hay du khách đến chỉ có nhà hàng hưởng lợi. Nay thì khác rồi. Ngay cả người dân bán cá, bán cua bán cho du khách cũng được giá. Con em họ được công việc tại chỗ, có thu nhập…".
Du khách khắp nơi thích thú với những sản vật của Cà Mau.
Điều thấy rất rõ là trong những năm qua, Đất Mũi Cà Mau đã được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng thành một Khu Du lịch trọng điểm của Cà Mau với việc đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa, lịch sử tiểu biểu, đặc sắc của dân tộc. Khu du lịch Đất Mũi, Cà Mau được xây dựng gắn với nhiều công trình văn hóa - lịch sử tiêu biểu như Cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, Biểu tượng con tàu, Cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ… Cơ quan chức năng Cà Mau trong gần đây còn xây dựng những biểu tượng đặc sản của địa phương như: cua, tôm, cá... để du khách chụp ảnh kỷ niệm. Nơi đây còn có Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 đánh dấu điểm cuối cùng Tổ quốc trên đất liền.
Gác lại những bộn bề trong một năm, ngày xuân, thật tự hào khi được về với Đất Mũi - Cà Mau. Ở vùng đất linh thiêng này, thật nhiều cảm xúc khi được một lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền đầy kiêu hãnh, hay đứng trên con tàu biểu tượng hướng thẳng ra biển Đông. Để rồi khi rời xa, những cây đước, cây vẹt, những vùng đất bãi bồi vươn mình ra biển… đã làm nên nỗi nhớ.
Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL - 02/02/2024
https://vov.vn/du-lich/dung-di-tet-rung-ca-mau-post1075113.vov