Cập nhật: 08/02/2024 08:53:00
Xem cỡ chữ

Tết là giai đoạn đặc biệt về thời gian, thời tiết, chế độ sinh hoạt và cả tâm lý, tình cảm. Người có bệnh mạn tính là đối tượng "nhạy cảm" dễ chịu tác động đến sức khỏe trong giai đoạn đặc biệt này.

Mời bạn đọc cùng Báo Sức khỏe & Ðời sống tìm hiểu để nhận dạng các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe người có bệnh mạn tính trong dịp Tết để có những biện pháp dự phòng phù hợp, giúp cho mọi người, mọi nhà cùng vui Tết, đón Xuân khỏe mạnh.

Bệnh mạn tính là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mạn tính là những tình trạng bệnh lý kéo dài từ 1 năm trở lên và đòi hỏi phải được chăm sóc y tế liên tục, kết hợp với hạn chế các thói quen sinh hoạt hàng ngày làm tăng nguy cơ tiến triển nặng. Các bệnh mạn tính thường không thể chữa khỏi dứt điểm bằng thuốc, cũng không thể tự khỏi. Bệnh mạn tính có xu hướng trở nên phổ biến hơn ở người cao tuổi và có thể diễn biến nặng qua các đợt bùng phát, tiến triển. Tuy nhiên, người có bệnh mạn tính vẫn có thể sống chung với bệnh và kiểm soát các triệu chứng nhờ tuân thủ các hướng dẫn theo dõi, điều trị và chăm sóc.

Theo số liệu của Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH), hiện nay quốc gia này ước tính có khoảng 133 triệu người - chiếm gần nửa dân số mắc ít nhất 1 bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, hay hen… Theo thống kê y tế ở Australia, trong giai đoạn 2020-2021, có gần một nửa dân số Australia tất cả các lứa tuổi (46,6%) có từ 1 tình trạng bệnh lý mạn tính trở lên và 1/5 (18,6%) có tình trạng sức khỏe đa bệnh lý (có 2 bệnh mạn tính trở lên).

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu người có bệnh mạn tính, chủ yếu là bệnh không lây nhiễm. Trong đó, người mắc bệnh tăng huyết áp ở độ tuổi từ 18-69 tuổi khoảng 15 triệu người; người mắc đái tháo đường ở độ tuổi từ 18-69 tuổi khoảng 4,5 triệu người; người trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khoảng 2 triệu; còn số hiện mắc ung thư khoảng 354.000 người.

Trong khi nhiều bệnh có thể được coi là mạn tính. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC), có 13 bệnh được coi là bệnh mạn tính chính do có tỷ lệ mắc bệnh, tử vong cao và là gánh nặng trong chăm sóc y tế gồm:Bệnh tim mạch; đột quỵ; ung thư phổi; ung thư đại trực tràng; trầm cảm; bệnh tiểu đường type 2; viêm khớp; loãng xương; hen suyễn; béo phì; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); bệnh thận mạn tính; và bệnh răng miệng.

Về thuật ngữ, nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến chuyên gia cho rằng dùng thuật ngữ "bệnh mạn tính" là hợp lý hơn (trong khi một số người quen gọi là "mãn tính"). Vì "mạn" có nghĩa là từ từ, chậm chạp, đến dần dần…

Giúp người bệnh mạn tính vui Tết, đón  Xuân khỏe mạnh- Ảnh 1.

Ai là đối tượng dễ có bệnh mạn tính?

Các bệnh mạn tính, thường xuất hiện ở tuổi trung niên sau một thời gian dài tiếp xúc với lối sống không lành mạnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể chất thường xuyên có chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, đường và muối, như thói quen sử dụng "thức ăn nhanh". Lối sống này làm gia tăng của các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường và béo phì. Các tình trạng bệnh lý nói trên có thể riêng rẽ hoặc phối hợp. Ðiều đáng quan ngại là, các yếu tố nguy cơ thường không được chẩn đoán hoặc quản lý không đầy đủ trong các dịch vụ y tế, chủ yếu được thiết kế để xử lý các tình trạng cấp tính.

Gánh nặng bệnh mạn tính hiện nay phản ánh những tác động tích lũy của lối sống không lành mạnh và các yếu tố nguy cơ kéo dài theo trong suốt cuộc đời của con người. Một số yếu tố thậm chí đã có từ trước khi đứa trẻ được sinh ra.

Nguy cơ bùng phát bệnh mạn tính trong dịp Tết

Ðặc trưng của thời tiết dịp Tết là lạnh và ẩm. Nhiệt độ lạnh và biến đổi thất thường là nguy cơ bùng phát thành đợt tiến triển của các bệnh tim mạch, đột quỵ. Cùng với đó, dạng hình thái thời tiết lạnh - ẩm kết hợp với tăng tần suất đi lại, giao lưu, đông người là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh ở đường hô hấp phát triển, gây bệnh và lan truyền. Người mắc COPD, hen rất dễ tiến triển thành đợt cấp trong điều kiện đó.

Nhịp sinh hoạt ngày Tết cũng thất thường so với nhịp sống hàng ngày. Vận động nhiều hơn và ngủ ít đi hoặc có khi ngược lại ở một số người; ăn uống lệch cả về thời gian và số lượng so với thường lệ; thức ăn thường nhiều chất béo, đường, muối và khó tránh các đồ uống có cồn, cà phê, thuốc lá... đây là nguy cơ bùng phát của các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh thận... Chế độ ăn thất thường cũng là yếu tố tác động không nhỏ đến tiến triển của ung thư. Những trạng thái tâm lý, tình cảm thái quá thường có trong dịp Tết như gặp gỡ hay xa cách cũng là yếu tố nguy cơ cho những người mắc trầm cảm.

Dự phòng bệnh mạn tính bùng phát trong dịp Tết

Người đang có bệnh mạn tính phải lưu ý giữ ấm cơ thể, không chủ quan với thời tiết ngay cả khi có những ngày ấm; tránh tiếp xúc với người đang có ho, hắt hơi hoặc đã biết rõ đang mắc bệnh truyền nhiễm; đeo khẩu trang khi đi tàu, xe, máy bay, khi ở trong những không gian kín, hẹp như thang máy…; thường xuyên vệ sinh tay, giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh mũi họng bằng nước muối; vệ sinh nhà, cửa, đặc biệt các bề mặt, các vật dụng dùng chung như bát, đũa, chén, bát phải rửa sạch bằng chất làm sạch và để khô trước khi sử dụng lại.

Tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, sử dụng thuốc đúng, đủ để kiểm soát bệnh mạn tính: Người có bệnh mạn tính nên có kế hoạch chuẩn bị đủ số lượng thuốc cần dùng trong dịp Tết.

Tiêm chủng các vaccine phòng bệnh theo lứa tuổi: Các vaccine phòng bệnh cho người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hiện nay nên phải tiêm đủ là vaccine phòng cúm, vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn, vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (vaccine giảm liều cho người lớn).

Kiểm soát nhịp sinh hoạt trong ngày Tết: Người có bệnh mạn tính phải có thời gian nghỉ ngơi. Các hoạt động vui chơi cần vừa đủ và vừa sức. Duy trì chế độ tập thể dục nhẹ nhàng. Bổ sung nước đầy đủ, tránh để cơ thể thiếu nước.

Luôn ý thức để có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày Tết: Về số lượng, không ăn quá dư thừa, nhưng cũng không nên để đói vì quá vui Tết. Về thành phần thực phẩm, nên ăn ít các chất béo xấu, hạn chế tăng cholesterol xấu, như các món chiên, rán, nướng, thức ăn có nhiều bơ, kem. Nên ăn các thức ăn chứa chất béo tốt, như các loại hạt, cá hồi, cá thu, cá ngừ, sử dụng dầu thực vật. Ăn nhiều rau và trái cây. Cắt giảm lượng đường, lưu ý các món tráng miệng có nhiều đường như bánh ngọt, kẹo…Hạn chế lượng muối, kể cả các loại nước mắm, nước chấm. Không quên kiềm chế đồ uống có cồn và các chất kích thích.

Theo suckhoedoisong.vn - 07/02/2024

https://suckhoedoisong.vn/giup-nguoi-benh-man-tinh-vui-tet-don-xuan-khoe-manh-169240206161515532.htm