Trong văn hoá của người Việt, Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên, sum vầy bên gia đình. Có những học sinh, vì điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, không thể trở về nhà đón Tết cùng người thân. Song, dù ở đâu, họ vẫn luôn hướng về quê hương, duy trì những nét đẹp văn hoá người Việt, phong tục tập quán ngày Tết ở nơi xa xứ.
Luôn nhớ về quê hương
Em Đỗ Nguyễn Bình An, học sinh lớp 10 Trường Trung học Yishun Town (Singapore) mặt cười tươi, rạng rỡ khoe chiếc bánh chưng do tự tay em gói. Em được tự tay chuẩn bị từng bước, từ rửa lá, làm nhân, gói bánh, đến buộc lạt, và sau đó là luộc bánh chưng.
Các du học sinh tham gia gói bánh chưng
Bình An cùng nhiều du học sinh Việt Nam khác đã cùng nhau gói bánh chưng, học làm mứt dừa... trong sự kiện “Tết Tâm tình 2024” vừa diễn ra. Sự kiện này do Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore (VNYA) lên kế hoạch tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, nhằm mang không khí Tết quê hương đến các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam tại Singapore không thể về nước đón Tết.
Không riêng Bình An, hàng trăm học sinh người Việt tại Singapore được cùng nhau gói bánh chưng, làm mứt, rút lì xì, trò chuyện, nhớ về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Đây cũng là cách cộng đồng người Việt tại Singapore duy trì truyền thống, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa để cùng nhau xây dựng một cộng đồng mà người Việt Nam luôn tự hào.
18 tuổi, Trần Đức Minh, quê ở Hà Nam, đã quyết tâm thi đỗ Trường Đại học Công Nghệ Nanyang (Nanyang Technological University), Singapore và năm nay sẽ là năm đầu tiên em ăn Tết xa nhà.
Từ nhỏ đã sống với ông bà ngoại nên trong ký ức tuổi thơ của em, Tết là những lần cùng gia đình sửa soạn, tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm, những bữa cơm đoàn viên ấm áp... Chính vì vậy, Đức Minh luôn mong đợi những ngày Tết đến, xuân về để cả nhà cùng đoàn tụ.
Học sinh rạng rỡ tham gia “Tết Tâm tình 2024”.
Những ngày cận Tết, kết thúc giờ học, Minh dành thời gian rong ruổi trên khắp các con phố, ngõ nhỏ của Singapore. Cậu sinh viên năm nhất cảm nhận được không khí Tết bắt đầu len lỏi nơi đây; song trong tâm trí Minh, em luôn nhớ về những ký ức, kỷ niệm về những ngày giáp Tết ở quê nhà với tiết trời se lạnh kèm theo mưa phùn của miền Bắc.
“Ở quê em, những người con đi làm ăn xa thời điểm này bắt đầu rậm rịch trở về quê. Nhiều gia đình bắt đầu sắm sửa đào, quất. Có những gia đình con không về quê về ăn Tết, bố mẹ lại tranh thủ kho nồi cá gửi đi để con cháu cảm nhận được hương vị quê nhà”, Minh nhớ lại.
Mặc dù đón Tết nơi xứ người, Minh vẫn cố gắng duy trì 1 số hoạt động, phong tục tập quán của người Việt. Cụ thể, vào ngày 28 âm lịch, em tham gia một số hoạt động cùng Hội sinh viên Việt Nam ở Singapore như gói bánh chưng, tặng lì xì hay xin chữ đầu năm. “Ngày 30 Tết nguyên đán, em vẫn đang học trên giảng đường. Sau khi học xong, em và bạn cùng phòng sẽ về nấu một số món ăn ngày Tết như canh măng, gói nem. Những hoạt động này giúp em và các bạn vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khi đón Tết xa nhà”, Minh trải lòng.
Trải nghiệm nét đẹp văn hoá Việt
Em Detnoy Keodonechanh, sinh viên năm hai Ngành Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, rất háo hức khi được hòa chung không khí đón Tết ở Việt Nam dù ăn Tết xa nhà.
Keodonechanh kể: “Mỗi dịp Tết đến, xuân về, em cảm nhận được không khi náo nhiệt của mọi người. Nhà nhà tất bật trang trí nhà cửa, gói bánh chưng. Là du học sinh từ Lào qua Việt Nam học tập, được trải nghiệm hoạt động ý nghĩa của người Việt ngày Tết, em hiểu thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của nước bạn”.
Bên cạnh những hoạt động ngày Tết, Keodonechanh cho biết Tết cổ truyền của Việt Nam có nhiều điều để quan tâm. Điều khiến Keodonechanh cảm thấy ấm cúng là khoảng thời gian gần Tết, những người con xa quê ở thành thị nườm nượp về quê đón Tết cùng người thân. “Tết cổ truyền ở Việt Nam là Tết đoàn viên. Đây là điều thú vị khiến em ngưỡng mộ. Những kỷ niệm đón Tết ở Việt Nam sẽ lưu giữ nhiều khoảng khắc trong em khi là du học sinh ở đây”, Keodonechanh bày tỏ.
Với Kevin Thongsy, sinh viên năm hai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là năm thứ 2 Thongsy đón Tết tại Việt Nam. Không khí những ngày đón Tết đã tạo cho du học sinh không khí vui vẻ, sum vầy. Sự sum vầy còn được nhân đôi khi gia đình Thongsy bên Lào sang Việt Nam đón Tết cùng con.
“Gia đình em bên Lào sang Việt Nam đón Tết cùng em. Đến Tết, em cùng với bố mẹ gói bánh chưng, làm mứt, rút lì xì. Điều đó đã giúp em biết thêm nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, nhớ về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam”, Thongsy chia sẻ.
Đây là năm thứ 2 Kevin (ngoài cùng bên trái) đón Tết tại Việt Nam
Ở Lào, thăm hỏi thầy cô là một ngày khác, còn Việt Nam có ngày mùng 3 là để dành Tết thầy. Thongsy chia sẻ: “Mùng 3 Tết thầy, bố mẹ nuôi em (người Việt) đến nhà thầy cô, họp lớp, mời bạn bè, người thân cùng nhau ăn Tết, trò chuyện, mừng tuổi cho nhau”.
Nhớ về thầy cô đã dưỡng dạy Thongsy ở quê hương Lào, em cho biết: “Em ở lại Việt Nam, em gọi điện thoại, gửi lời chúc đến các thầy cô. Có dịp em được về thì em sẽ mua hoa đến thăm, chúc Tết thầy cô. Từ những hoạt động đó, em được giáo dục ý thức “tôn sư trọng đạo”.
Theo Bài và ảnh: LINH AN/qdnd.vn – 9/2/2024
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tet-cua-nhung-du-hoc-sinh-xa-nha-764537