Cập nhật: 09/02/2024 13:33:00
Xem cỡ chữ

Đối với người Việt, Tết có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ là sinh hoạt văn hóa đơn thuần mà đã trở thành một thành phần trong cấu trúc văn hóa dân tộc với rất nhiều phong tục tốt đẹp, trong đó, khai xuân là một phong tục mang đậm nét văn hóa dân gian của dân tộc.

Mùa xuân đến, vạn vật được sưởi ấm sau khoảng thời gian dài lạnh lẽo mùa đông và thảm thực vật cũng nhờ đó mà đâm chồi nảy lộc. Đặc trưng này của mùa xuân, dường như tương ứng với quan niệm phương Đông truyền thống, nhất là với người Việt, khi cho rằng xuân là mùa của mọi sự tái sinh và khởi phát. Phải chăng nó cũng “ứng” với phong tục khai xuân của người Việt?

Theo TS Văn học Dương Thị Thanh Hương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Chúng ta đều biết Tết cổ truyền của người Việt gắn liền với mùa xuân, khởi đầu của năm mới và phong tục cổ truyền của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn giữ được nét đẹp rất riêng, mang bản sắc của người Việt. Đối với ngày đầu năm mới, người Việt có một phong tục rất đẹp gồm chuỗi nhiều hoạt động khác nhau, gọi chung là tục khai xuân".

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;"  data-cke-saved-href="https://www.qdnd.vn" href="https://www.qdnd.vn"><img  data-cke-saved-src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Phong tục khai xuân thể hiện chiều sâu văn hoá của dân tộc với những đặc trưng của văn minh lúa nước. 

Ngay từ thời khắc giao thừa, các gia đình đã thực hiện một số nghi thức tâm linh như: Tục cúng gia tiên được thực hiện tại ban thờ trong nhà và lễ cúng trời đất được thực hiện ngoài trời,... Đó là tục lệ đã có từ xa xưa, có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt. Đây cũng được coi là một hoạt động trong tục khai xuân ở mỗi gia đình. 

Nói về phong tục khai xuân có rất nhiều điều, phong tục này cũng thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc với những đặc trưng của văn minh lúa nước. Trong tâm thức dân gian Việt Nam, khai xuân thể hiện ở hai góc độ: Khai xuân cho chính bản thân mình và khai xuân cho cộng đồng, mà ở mỗi góc độ, lại có những hoạt động cụ thể khác nhau. TS. Dương Thị Thanh Hương cho biết: “Khai xuân cho chính bản thân mình có thể bắt đầu bằng hành động thắp hương gia tiên tiền tổ, cầu mong một năm mới tốt lành với những điều tốt lành nhất. Sau đó, nhiều người thực hiện hoạt động khai bút, viết những nét chữ đầu tiên của năm mới thể hiện khao khát về một cuộc sống có trí tuệ, có văn hóa. Khai xuân cho mọi người thì thể hiện ở những nghi thức mang tính cộng đồng, ví dụ: Lễ khai điền, lễ mở cửa đền để những người hành hương đến khai mở năm mới với lời nguyện cầu cuộc sống tốt đẹp... Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam lại có những nghi thức, hoạt động riêng để khai xuân".

Có lẽ, nhắc đến Tết cổ truyền, ai ai cũng nghĩ ngay tới tục “mừng tuổi”, nhất là các bạn nhỏ. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa “lấy may” nhân dịp đầu năm mới. Theo lời kể của Thanh đồng Phùng Minh Chiến: “Thời xưa, chúng tôi được các cụ đồng và những người lớn tuổi trong nhà mừng tuổi chỉ chút xíu, vài đồng tiền nhỏ thôi, hoặc có khi chỉ là cái bánh, cái kẹo hoặc quả bóng bay nhưng con trẻ đứa nào cũng vui sướng và thích thú vì được nhận sự may mắn. Tuy nhiên, đến thời bây giờ, mừng tuổi dường như chỉ là tiền và mệnh giá mang nặng tính vật chất. Tôi chỉ mong sao, tục mừng tuổi mãi giữ được ý nghĩa và nét đẹp như thuở ban đầu".

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;"  data-cke-saved-href="https://www.qdnd.vn" href="https://www.qdnd.vn"><img  data-cke-saved-src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

 “Mừng tuổi” là một hoạt động mang ý nghĩa “lấy may” nhân dịp đầu năm mới

Trong cuốn sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính có viết về tục mừng tuổi, theo đó, tục lệ này trước tiên xuất phát từ trong gia đình, cụ thể: Sau khi cúng lễ gia tiên xong, cha mẹ thường hay mừng tuổi cho con cái và bao giờ trong nhà cũng là những người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ mừng tuổi cho con cháu trước rồi con cháu cung kính mừng tuổi lại mong người lớn thêm tuổi mới được bình yên bên con cháu. Tiền mừng tuổi phải được để trong phong bao màu đỏ, tuy không quan trọng mệnh giá nhưng nhất định phải là đồng tiền mới, nhất là những tờ tiền màu đỏ hoặc các đồng xu mang âm thanh may mắn.

Ngoài ra còn rất nhiều tục lệ khác nữa, có thể kể đến một số tục như: hái lộc đầu năm, xin nước đầu năm, trồng cây, khai cày, đi lễ đầu năm... Trong đó, có những tục lệ vẫn còn được gìn giữ, thậm chí được phát triển thêm như TS. Dương Thị Thanh Hương chia sẻ: “Các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, công ty... ngày nay đều có lễ khai trương đầu năm. Hay đối với giới sáng tác, văn nghệ sĩ thì họ khai bút, người làm công tác văn hóa - văn nghệ thì khai máy, khai phím… Tất cả các hoạt động, các chữ đều gắn với chữ “khai” và gắn với mùa xuân đều thể hiện sự khởi đầu để hy vọng điều tốt đẹp nhất, hanh thông, thuận lợi, an lành, may mắn. Tôi nghĩ chính từ “khai” ấy vừa thể hiện tính kế thừa, vừa mang tính hiện đại, trở thành nét văn hóa của đời sống Việt Nam hiện đại ngày hôm nay, càng làm dày thêm trầm tích văn hóa của Việt Nam, làm đẹp thêm cho con người Việt Nam trong đời sống hiện đại".

Không thể phủ nhận một thực tế rằng Tết nay đã khác xưa nhiều. Đời sống khá giả hơn, lối sống và quan niệm về Tết cũng từ đó mà thay đổi theo. Tuy nhiên, các hoạt động trước, trong và sau Tết cổ truyền vẫn luôn là những biểu hiện sinh động, phong phú, đặc sắc nhất của “văn hóa Tết”, là sự lắng đọng, kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân Việt Nam.

Theo Bài và ảnh: ĐỨC AN/ qdnd.vn – 9/2/2024

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/khai-xuan-net-dep-van-hoa-trong-phong-tuc-co-truyen-762584