Thời khắc được coi là quan trọng nhất của Tết Nguyên đán là đêm Trừ tịch (hay còn gọi là đêm Giao thừa), ở đây “Trừ” là trao lại chức quan, “Tịch” là ban đêm.
Sau lễ ông Công ông Táo (Tết Táo quân) ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết thật sự bắt đầu. Nhà nhà chuẩn bị cho Tết trong không khí tưng bừng, hoan hỉ. Nào là dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ, khang trang. Thậm chí, xưa kia người ta còn chờ đến những ngày cuối năm để sửa sang lại nhà cửa, chiều ngày 30 Tết họ quét vôi lại tường nhà, tẩy uế những vết bẩn của năm cũ, trang trí lại nhà cửa, cắt tỉa lại cây cảnh cho phù hợp với ngày lễ Tết hay lau rửa bàn thờ, đồ thờ, đánh bóng các đồ tự khí.
Ở làng quê Việt Nam, Tết đến, mỗi nhà cắm một cành đào trên bàn thờ. Cành đào chặt về, người ta đốt phía dưới rồi cắm vào bình nước, đào sẽ tươi trong mấy ngày Tết, sẽ trổ hoa và nảy lộc.
Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn
Tục xưa tin rằng hoa đào trừ được ma quỷ (nay ít người chơi Tết với ngụ ý trừ ma quỷ mà đơn thuần chỉ là cho đẹp ngày Tết). Đó là do tích cũ về hai vị Thần Uất Lũy và Thần Trà. Tục kể rằng: Xưa ở dưới gốc cây đào lớn tại núi Độ Sóc có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Quỷ nào làm hại dân gian đều bị trừng phạt ngay. Chính vì vậy, cành đào Tết tượng trưng cho hai vị thần trên. Ma quỷ nhìn thấy cành đào phải tránh xa.
Cành đào cắm trên bàn thờ không những chỉ tăng vẻ huy hoàng, tươi vui cho ngày Tết, mà còn là bảo vệ cho tổ tiên về hưởng Tết, vì ma quỷ thấy cành đào sẽ không bén mảng tới, và như vậy tổ tiên không bị quấy nhiễu trong những ngày Tết.
Ngày 30 Tết ai cũng cố gắng hoàn thành một số thủ tục cần thiết. Đó là việc đi biếu Tết. Việc đi biếu Tết là tùy tâm, không có một thể thức nhất định nào. Ông bà, cha mẹ thì lo sắm cho con trẻ quần áo mới, hay món quà gì đó, con cháu sẽ đáp lại nhưng tùy theo hoàn cảnh…
Sáng hoặc chiều 30 Tết nhà nào cũng ra nghĩa trang thắp hương để khấn mời tổ tiên và họ hàng thân thích đã qua đời về chứng giám ngày Tết của con cháu.
Giao thừa là giờ phút giao tiếp giữa năm cũ và mới. Mọi người hầu như không nghỉ mà chờ đón thời khắc Giao thừa. Năm mới sắp sang, mọi người hồi hộp chờ đợi với bao nhiêu niềm hy vọng. Người ta được thêm một tuổi, và với giờ phút Giao thừa, năm cũ sẽ ở lại với tất cả mọi sự không may mắn, và năm mới đến sẽ mang lại những điều mới mẻ và tốt đẹp nhất.
Trong đầu óc, có người nhẩm tính lại quãng đời một năm qua với những công việc làm ăn của mình có dễ dàng hay vất vả và người ta cầu mong năm sau làm ăn sẽ tiến phát bằng 5, bằng 10 năm cũ.
Giờ phút Giao thừa thật là nghiêm trang được chờ đợi. Lễ Trừ tịch còn mang tên là Giao thừa. Người ta nói đây là lễ tống cựu nghênh tân (tiễn cũ đón mới). Cũ ở đây, ngoài những điều xấu dở, cũ kỹ của năm qua, người ta còn tiễn vị đương niên Hành khiển Đại vương của năm cũ. Và mới ở đây, ngoài những điều mới mẻ tốt đẹp, người ta còn đón rước tân Đại vương Hành khiển của năm mới.
Người xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc dân gian, hết năm thì thần này bàn giao công việc lại cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa vị thần cũ và đón vị thần của năm mới.
Trước giờ Tý phải làm lễ tiễn quan đương niên cũ, sau đó đón quan đương niên mới. Đến đầu giờ Tý thì xong để chuẩn bị đón Giao thừa. Mỗi năm có một vị quan Đương niên cai quản, nên việc làm sớ tấu cũng như lễ vật cần phải chú ý.
Theo HẢI THANH/qdnd.vn – 9/2/2024
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhung-dieu-can-biet-ve-le-tru-tich-le-giao-thua-764669