Bước ra từ truyền thuyết, “Thăng Long” xưa dường như không chỉ là tên gọi gắn liền với vùng đất kinh kỳ xưa mà còn gắn liền với một lý tưởng, một giấc mơ đầy thực tại của những vị vua khởi dựng nền độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc.
Bước ra từ truyền thuyết, “Thăng Long” xưa dường như không chỉ là tên gọi gắn liền với vùng đất kinh kỳ xưa mà còn gắn liền với một lý tưởng, một giấc mơ đầy thực tại của những vị vua khởi dựng nền độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc. Tên gọi đó cũng gắn liền với hình tượng rồng, mà theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hình tượng này ở mỗi thời đại lại khoác lên mình những ngữ nghĩa khác nhau, cộng hưởng vào đó những lý tưởng, ý hướng đầy giá trị nhân sinh.
Từ sự gây dựng của nhà Lý
Ngay từ buổi đầu dựng nước, hình tượng con rồng - vốn đã tồn tại trong văn hoá Trung Hoa như một biểu tượng về Thiên tử - con trời đã toả lan ảnh hưởng của mình sang hầu hết những nước khác trong hệ văn hoá đồng văn để vương triều Việt cũng tiếp nhận nó như một sự thất yếu. Ấy nhưng cũng ngay từ buổi đầu dựng nước đó, biểu tượng rồng được các vua Lý gây dựng nên, đã khác biệt hoàn toàn với nguyên mẫu.
Biểu tượng những con rồng Lý được ra đời, như hiên ngang ngạo nghễ đạp mây, rẽ gió bay lên. Chúng là sự tiếp thu kết hợp đạt đến độ hoàn hảo giữa con rồng bay thời Đường và hình tượng rắn Naga trong văn hoá Chăm, rồng Đại Việt cho dù ở tư thế nào cũng như vươn mình lên với những uốn khúc hình sin căng sức bật cùng một chiếc mào lớn đại tượng hình lá đề - biểu tượng Phật giáo lập nên vị thế cho một Thăng Long đầy hào khí.
... đến tính chất tự chủ nhà Trần
Có thể nói cái hào khí buổi đầu đó đã tiếp sức, hun đúc cho sự phát triển hình tượng này suốt các triều đại phong kiến độc lập tự chủ sau đó. Sau những hào quang rực rỡ của nhà Lý, là một hào khí Đông A của nhà Trần với những con người đi vào lịch sử dân tộc, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm, rồi khí phách của Đại vương Trần Quốc Tuấn ba lần đại phá quân Nguyên Mông…
Phải chăng cái hào khí thời đại đó cũng khiến cho hình tượng con rồng cũng ít nhiều thay đổi. Cái hiền hoà trong cái nhịp điệu đều đặn của hình tượng rồng Lý đã chuyển mình lớn mạnh hơn linh hoạt hơn trong hình tượng rồng Trần. Những khúc thân rồng dẫu vẫn uốn khúc hình sin nhưng những khúc thân to lớn đã vận động đa chiều hơn. Dẫu rằng, rồng chỉ là một hình ảnh biểu tượng được tạo dựng, nhưng rõ ràng ý thức của một triều đại đã được thiết lập vào gửi gắm và đó nhiều hơn là một biểu tượng thông thường. Vậy nên, con rồng Trần tính chất tự chủ đậm chất quân chủ với Nho giáo làm rường cột mà vẫn giữ được tinh thần Phật giáo đáng tự hào.
Đến nghệ thuật thời Lê Sơ, dẫu nhà Lê phải oằn mình để khôi khục đất nước sau sự tàn phá 20 năm của nhà Minh, nhưng niềm tự hào, tự tôn dân tộc đã luôn được hiện diện trên những đường nét của nghệ thuật cung đình. Trên tấm bia ở Vĩnh Lăng, người ta một lần nữa nhìn thấy dáng nét của những con rồng thời Lý như được quay trở lại trong khuôn hình nửa chiếc lá đề và chiếc mào rất đặc trưng. Dường như ý hướng về việc dựng nên một xã hội thịnh trị như thời đại Lý – Trần đã được ẩn tàng trong thông điệp biểu tượng này. Nhưng bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, những con rồng được chạm khắc ở tư thế chính diện hoặc hai phần ba.
Những biểu tượng này không phải là sáng tạo gì mới của người Việt mà chỉ là sự tiếp thu một cách chọn lọc từ nghệ thuật Trung Hoa. Ấy nhưng, những con rồng ấy lại rất Việt bởi đã tiết chế bớt hung tợn, dữ dằn để điềm hoà, uy nghiêm như ứng xử của người Việt cho dù biểu tượng đấy có là Thiên tử đi chăng nữa.
Cá hoá rồng, chạm khắc TK17, lan can đá chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Sau những biểu tượng về triều đại, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt từ thế kỷ 17 trở đi đã mang một phong vị khác. Trên những thanh vì kèo trong kiến trúc đình làng khắp các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, những con rồng hiện lên như những biểu tượng về tâm linh. Chúng đã khắc tiết ít nhiều vẻ thị uy cung đình, mà an nhiên hiền hoà, quây quần đoàn tụ trong dáng vẻ thân thiện. Những hoạt cảnh Tứ Linh, rồng hội tụ với Phượng, với Lân, với Rùa vui vẻ hoạt bát, tràn trề năng lượng, giữa những đầm sen nở rộ. Rồi những con rồng phun nước cho những đàn cá chép thi nhau nhảy lên vượt vũ môn. Với dân gian, cái lý tưởng về học hành, thành đạt đã trở thành mục đích sống hướng đạo của mỗi con người.
Nó cũng là lý tưởng được nhà Lê Sơ đề cao từ những chạm khắc hình tượng “cá hoá rồng” trên những lan can thành bậc ở đàn Nam giao, vui nhộn đầy sức sống. Cá hoá rồng trong đình làng đã thoát ra khỏi khuôn thước của nghệ thuật cung đình để đa dạng hoá hơn với vô vàn các bố cục linh hoạt. Tuỳ vào những không gian chạm khắc, mà câu chuyện này được kể ra bằng hình ảnh như thế nào. Có con rồng phun nước trên cao xuống toé bọt sóng, nhưng cũng có con rồng trên những xà, những bẩy ngoắt đầu lại để tạo ra một chiếc cầu vồng cong cong. Những con cá chép dường như được động viên, phấn khích nhảy vồng theo nhịp nước.
Rồi không chỉ tìm thấy trong đình làng, rất nhiều các bức chạm trên đá của thế kỷ 17, 18 điển hình như trên lan can đá chùa Bút Tháp, rồi thân tháp Báo Nghiêm cá hoá rồng đã trở thành hoạt cảnh sinh động nhất mà ta được chiêm ngưỡng. Rồng có lẽ từ một vật linh trong huyền thoại đã trở thành một biểu tượng để người xưa gửi vào đó sự giáo huấn con cháu, khích lệ tinh thần phấn đấu của những thế hệ sĩ tử, học chữ thánh hiền, để vượt vũ môn mà đỗ đạt ra làm quan.
Những hoạt cảnh như thế không chỉ tìm thấy trên chạm khắc đình làng, mà còn tìm thấy ở khắp mọi nơi. Trên những bức phù điêu đắp nổi trước các cổng đình, đền khắp đất kinh kỳ cũng như nơi thôn quê. Hình tượng rồng phun cột nước, cá nhảy tung hoành đôi khi không thuần tuý ý nghĩa chỉ là “cá hoá rồng”, mà chúng còn được lồng ghép, gắn kết với một trọng trách lớn lao, đó là góp phần tạo nên linh khí, phong thuỷ cho những di tích tâm linh nơi chúng ngự trị. Đâu có phải thế đất nào cũng tốt, để dựng lên những nơi thờ tự. Do đó, người Việt xưa đã đắp vẽ, để mượn hình tướng, mượn oai linh mà tạo nên khí thiêng hội tụ.
“Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đã trở thành một cặp phạm trù đầy ngữ nghĩa trong phong thuỷ của người Việt. Hàm ý bên trái có rồng xanh chầu về, bên phải có hổ trắng thần phục, ấy là nơi linh khí hội tụ, thế long ngai vững bền, đắc địa để thánh nhân ngự trị. Thế mới biết, con rồng trong dân gian đâu chỉ là một con vật huyền thoại, hư cấu tưởng tượng, mà chính biểu tượng đó đã góp mặt vào đời sống tâm linh một cách sâu sắc.
Chưa kể đến một quan niệm về phong thuỷ khác của người Việt, quan niệm vừa tạo nên sự gắn kết giữa “biểu tượng cá hoá rồng” vừa như gắn với quan niệm nhân sinh. Đó là quan niệm “Mả táng hàm rồng” tức mồ mả tổ tiên mà táng vào thế đất “hàm rồng” thì ắt con cháu đời đời được hưởng phúc, được đỗ đạt, quan quyền. Thế nên trong vô số những bức chạm khắc trên đình làng Việt, hoạt cảnh mả táng hàm rồng đã được các nghệ nhân xưa chạm khắc vô cùng sinh động và hóm hỉnh.
Tiêu biểu như bức chạm ở đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội, mô tả một thanh niên cởi trần đóng khố, đang đút một chiếc khúc gỗ nhỏ tượng trưng cho chiếc quan tài vào miệng con rồng đang há lớn. Cả người cả rồng dường như được chạm khắc với một thái độ hân hoan, rạng rỡ. Sự hoan hỉ đó như truyền cảm đến người xem, ngắm để thấy như được vui lây với ý nghĩa về phúc, lộc viên mãn, chứ không gợn lên chút gì về hàm ý chết chóc tang thương. Cái tài tình, thâm thuý của người xưa là vậy.
Có lẽ chưa hết để nói về tính giáo huấn được gửi gắm trong các hình tượng rồng. Bên cạnh sự khích lệ con cháu học hành, đèn sách để như con cá hoá thành con rồng, thì vô số các hoạt cảnh “lão long huấn tử” cũng được chạm khắc trong các ngôi đình của thế kỷ 18. Điển hình như đình Mông phụ, bức chạm này được đặt ngay bên phải gian giữa của ngôi đình. Lão rồng già đang mở sách dạy con là một sự tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa, tôn ti. Một biểu tượng như thiết lập nên một giá trị xã hội ngay ngắn, trên dưới, người trước làm gương cho người sau, con cháu đời đời tuân thủ.
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng - Cổ Loa được chạm khắc hoa văn rất đặc biệt. (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long).
Thế mới thấy rằng, hình tượng con rồng trong nghệ thuật dân gian, đâu chỉ là một con vật được hội tụ vào đó đầy đủ những đặc điểm về sức mạnh của những con vật khác như sừng nai, tai thú, trán lạc đà, mình rắn… mà trong trí tưởng tượng của dân gian đôi khi đã nhân cách hoá để chúng trở thành những biểu tượng mang đậm trong đó những giá trị nhân văn.
Từ một Thăng Long rồng bay, con rồng trong truyền thuyết thiết lập nên một niềm tự hào dân tộc từ giấc mơ vua Lý, đã bay qua dòng chảy lịch sử để được bồi đắp bởi những quan niệm dân gian, gửi gắm vào đó những lý tưởng từ sự duy trì nòi giống cho đến tổ chức xã hội tôn ti đến học hành đỗ đạt. Có thể nói, con rồng Việt trên hành trình đó đã tạo nên một khí chất Việt đậm nét tự hào.
Rồng Đại Việt cho dù ở tư thế nào cũng như vươn mình lên với những uốn khúc hình sin căng sức bật cùng một chiếc mào lớn đại tượng hình lá đề - biểu tượng Phật giáo lập nên vị thế cho một Thăng Long đầy hào khí.
PGS-TS Trang Thanh Hiền
Theo vietnamnet.vn - 11/02/2024
https://vietnamnet.vn/nghin-nam-rong-viet-2241565.html