Cập nhật: 11/02/2024 07:06:00
Xem cỡ chữ

Từ năm 2015 cho đến nay, môn Lịch sử luôn là môn học bắt buộc nhưng học sinh được lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là môn học bắt buộc có kiểm tra, đánh giá điểm, có thể hiện điểm số vào học bạ.

Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tiếp xúc cử tri, theo cử tri, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cử tri cho rằng, việc đưa môn Lịch sử là một trong 4 môn thi bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT cần thiết bởi vì "dân ta phải biết sử ta", là một công dân của nước Việt Nam phải có kiến thức tối thiểu về lịch sử đất nước.

Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, có phương án đưa môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu từ năm 2025.

Mới đây Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời kiến nghị này của cử tri tỉnh Quảng Trị. Bộ GD-ĐT cho biết, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một trong số nội dung quan trọng của ngành giáo dục và được toàn xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

W-nguyen-kim-son-hn1-1.jpg

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Hà

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Phương án thi phải bảo đảm theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đáp ứng đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kế thừa việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015 đến nay.

Bộ GD-ĐT cho biết, để bảo đảm phương án thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu đề ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định sthành lập Ban Xây dựng phương án thi. Trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá tác động tại 63 tỉnh/thành cũng như xin ý kiến của cơ quan liên quan và Chính phủ.

Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, chuyên gia và bộ, ban, ngành liên quan, ngày 28/11/2023, Bộ GD-ĐT quyết định phê duyệt Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phương án thi bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ năm 2015 cho đến nay, môn Lịch sử luôn là môn học bắt buộc nhưng học sinh được lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ GD-ĐT, thực tế môn học Lịch sử và Ngoại ngữ là hai môn học bắt buộc có kiểm tra, đánh giá điểm, có thể hiện điểm số vào học bạ, các kết quả này cũng được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp.

Ngoài ra, thí sinh vẫn có thể đăng ký dự môn thi Lịch sử và Ngoại ngữ theo đúng năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em.

Lý do chưa ban hành một bộ SGK

Cử tri tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) chuẩn, thống nhất trong cả nước.

Trả lời kiến nghị này, Bộ GD-ĐT cho biết, nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã quy định chương trình và SGK. Theo đó, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

sgk trong bai.jpg

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Hiện Bộ trưởng GD-ĐT đã ký ban hành các quyết định phê duyệt danh mục SGK các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) theo lộ trình quy định.

Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội quy định khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Do đó, Bộ GD-ĐT chưa biên soạn một bộ SGK. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 686 năm 2023 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết 88/2014 và nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đồng thời tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 đã thảo luận, ban hành nghị quyết về kết quả kỳ họp.

Trong đó, giao Bộ GD-ĐT sau năm 2025 tổng kết quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xã hội hóa biên soạn SGK để có đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn, báo cáo Chính phủ phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp.

Theo vietnamnet.vn - 10/02/2024

https://vietnamnet.vn/bo-gd-dt-tra-loi-kien-nghi-lich-su-la-mon-bat-buoc-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-2248762.html