Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo suốt chiều dài các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung, từ Đèo Ngang-Quảng Bình đến đảo Cù Lao Xanh-Bình Định, các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ và quần đảo Hoàng Sa, đồng thời, Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng cơ động chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển trọng điểm hay các nhiệm vụ đột xuất khác khi có lệnh.
Các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân thăm, chúc Tết trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Với nhiệm vụ không để xảy ra xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển và quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 quyết tâm xây dựng đơn vị cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Trải qua gần 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân vẫn đang cố gắng phấn đấu để xứng đáng với truyền thống tự hào của các thế hệ cha anh “Tích cực, chủ động, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.
Biến lòng dũng cảm thành những chiến công
Là lực lượng tác chiến quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam, Vùng 3 có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo giữa miền trung, từ Quảng Bình đến Bình Định, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, các đảo ven bờ. Chỉ sau 5 năm kể từ tên gọi đầu tiên, các lực lượng tàu chiến đấu của Vùng đã trưởng thành vượt bậc.
Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng vô cùng khốc liệt mỗi khi tình hình trên biển diễn biến căng thẳng, đặc biệt là khi nước ngoài có các hoạt động thăm dò, khảo sát vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 3 Hải quân tự hào cho biết: “Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, tất cả cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 luôn sẵn sàng và hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ, không quản khó khăn, gian khổ, tham gia vận chuyển, xây dựng các công trình chiến đấu trên đảo. Nhiều lượt tàu chiến đấu, tàu phục vụ nhanh chóng có mặt chi viện bảo vệ Trường Sa. Giữa trời biển mênh mông sóng gió, nhiều lúc cận kề với những tình huống hiểm nguy, đối mặt giữa sự sống với cái chết, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Các đơn vị trực thuộc Vùng thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm túc mọi chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, trinh sát, nắm chắc tình hình trên biển; xây dựng và luyện tập thành thục các phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và trực tiếp xử lý các tình huống trên biển theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng.
“Chúng tôi luôn ghi nhớ và tự hào về truyền thống quả cảm, anh hùng, từng lập nên nhiều chiến công anh dũng của các thế hệ cha anh. Trong những tình huống đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sĩ của Vùng, nhất là lực lượng trực tiếp đấu tranh ngoài thực địa luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, bình tĩnh, dũng cảm kiên cường, không lùi bước, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”-đồng chí Đoàn Thanh Tuyển xúc động cho biết.
Quân chủng Hải quân là quân chủng kỹ thuật, do đó đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp đều có kinh nghiệm lâu năm, có tay nghề chuyên sâu, được giao nhiệm vụ làm việc trên các tàu. Chính vì vậy, có nhiều sĩ quan mới ra trường nhưng có thể lại là cấp trên của các đồng chí đáng tuổi cha, tuổi chú của mình. Tuy nhiên, họ rất rạch ròi công việc và cuộc sống đời thường.
Những người sĩ quan trẻ - cán bộ tàu sẽ làm nhiệm vụ huấn luyện, duy trì nền nếp, chế độ trên tàu, còn những “bác cả” - những người lính thợ lâu năm, đội ngũ hiểu “tính nết” từng con sóng, từng đợt gió mùa, từng khu vực biển và ghi nhớ từng bộ phận của máy móc, trang bị trên tàu sẽ trực tiếp xử lý các công việc cụ thể.
Làm chủ những con sóng dữ
Khi tôi kể về những đợt say sóng không ngồi dậy nổi, nhiều người trong đoàn công tác đã được các thành viên trong tổ phục vụ Tàu 390 mang đồ ăn đến tận phòng, tôi còn đùa “Các đồng chí không sợ sóng à?”, anh Đoàn Thanh Tuyển phân trần: “Những chuyến đi biển đầu tiên khi về nhận công tác cũng vào những ngày cuối năm, vùng biển cửa vịnh Bắc Bộ thật sự là một thử thách lớn đối với các thành viên trẻ như tôi. Cứ mỗi lần lên nhận ca trực là tôi lại nôn, cứ nôn xong tôi lại ăn gì đó để… đè xuống. Cứ như vậy, ăn rồi nôn, nôn xong lại ăn tiếp, đến ngày thứ ba, thứ tư thì dần quen với sóng gió, cơ thể dần thích ứng với tình trạng lăn lộn trên tàu và thế là không còn sợ sóng nữa”.
Chỉ những ai đã đi tàu trên biển vào mùa đông mới hiểu say sóng khiến cảm giác thời gian trên tàu trôi chậm đến thế nào. Không thể trốn đi đâu, chạy vào chỗ nào để tránh bị say sóng.
Vậy nên, mỗi thủy thủ đều phải rèn luyện thể lực, rèn luyện những môn thể thao như cầu sóng, đu quay, vòng quay trụ... để rèn luyện tiền đình, tăng khả năng chịu sóng gió.
“Nhưng trên hết, đó chính là rèn luyện bản lĩnh cách mạng, ý chí của người cán bộ, đảng viên, người sĩ quan Hải quân, luôn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”-Thượng tá Nguyễn Văn Đồng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân khẳng định.
Hơn 10 năm công tác trong ngành tác chiến, với hai lần trên cương vị sĩ quan điều hành phục vụ đại biểu đi thăm Trường Sa, Trung tá Nguyễn Thế Thụ, Ban Tác chiến-Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân không bị say sóng nhưng anh kể rằng, khi mới bước vào con đường binh nghiệp, có những nỗi nhớ chất chồng cũng khiến một sĩ quan trẻ khi ấy cũng có lúc bâng khuâng.
“Tuy nhiên, đó chỉ là những phút yếu lòng thoáng qua của tuổi trẻ. Đối với lính mới thường khó khăn lớn nhất là phải gác lại những thứ mình yêu thương để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Gia đình tôi có ba thế hệ đều là lính hải quân cho nên ngay từ nhỏ mỗi khi thấy ông, thấy bác mặc bộ quần áo mầu xanh biển trời về quê là tôi đã có cảm giác tự hào khó diễn tả. Sau này khi đứng trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam, mặc trên mình bộ quân phục tôi còn tự hào hơn nữa vì cảm nhận được ánh mắt trân trọng và mến yêu của những người chung quanh. Đó chính là động lực để chúng tôi phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”-Trung tá Thụ chia sẻ.
Dáng người cao và rắn rỏi, ánh mắt thông minh nhưng nghiêm nghị, Thượng tá Nguyễn Văn Đồng kể cho chúng tôi nghe về một chuyện… say sóng không quên: Năm 2012, khi còn là Thuyền trưởng tàu 261, trong một lần đi tuần tra thì tàu gặp bão. Con tàu lắc ngang, có những lúc tưởng như bị lật.
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều bị say sóng nhưng tất cả vẫn bám chắc vị trí, tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt.
Khi đó Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đồng đã rung chuông động viên toàn tàu, thông báo tàu đang hành trình trong bão, yêu cầu những cán bộ, chiến sĩ nào có khả năng chịu được sóng gió, phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ, lên đi ca thay cho các đồng chí đang say sóng. Sau tiếng chuông đó, nhiều đồng chí lên nhận nhiệm vụ đi ca, đưa tàu vượt qua bão tố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Có nhiều con tàu chiến đấu của Vùng 3 đã “lập nên chiến công đánh thắng trận đầu”, mãi mãi là niềm tự hào, là di sản tinh thần quý báu của Vùng 3 nói riêng và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung.
Những chiến công đó còn là động lực mạnh mẽ để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay tiếp tục kiên định và thể hiện sức mạnh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Với những thành tích đạt được, Vùng 3 Hải quân vinh dự có bốn đơn vị được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Trạm Ra-đa 535 thuộc Trung đoàn 351; Tàu 331 thuộc Lữ đoàn 172; Tàu 851 thuộc Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172; 17 tập thể được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương các hạng; hàng trăm lượt tập thể, hàng nghìn lượt cá nhân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trao tặng các phần thưởng cao quý; nhiều cán bộ, sĩ quan trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Quân chủng Hải quân và quân đội.
Mùa xuân mới đang đến thật gần, không khí Tết đã rộn ràng ở khắp muôn nơi, ai cũng cố gắng nhanh chóng hoàn tất những công việc cuối cùng trong năm cũ để về sum họp gia đình, đón những ngày xuân ấm áp, sum vầy. Nhưng ở những vùng biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì nhiệm vụ đã tạm gác lại điều giản dị mà thiêng liêng ấy.
Tuy nhiên, những người lính hải quân vẫn luôn có những ngày Tết ý nghĩa đặc biệt, bởi họ hiểu rằng, sau những lớp sóng bạc ngoài khơi xa kia vẫn là quê hương, là gia đình và bao điều thân thương vẫn luôn hiện hữu, để những mùa xuân thêm ấm, Tết thêm vui và những người lính thêm chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Theo nhandan.vn - 07/02/2024
https://nhandan.vn/vung-3-hai-quan-va-hanh-trinh-giu-bien-post795585.html