Theo Chủ tịch VCCI, nhiều nội dung doanh nghiệp kỳ vọng đã được cụ thể hóa như tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Việt Nam (VCCI), cùng với nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có được đội ngũ hơn 800.000 doanh nghiệp, trên 5,1 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã.
Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài từ trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Điều này cho thấy, năm 2024 là năm khởi đầu của một thời kỳ mới cho sự phát triển của kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, theo đó, tạo điểm tựa để doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ, xứng tầm hơn trong bối cảnh hội nhập.
Tháng 1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, với nhiều mục tiêu cụ thể như: phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023 và cải thiện rất nhiều chỉ số khác về đổi mới sáng tạo, năng lực hoạt động của một số ngành dịch vụ như xuất nhập khẩu, logistics, du lịch-lữ hành...
Từng bộ, ngành và cơ quan chủ trì được phân công rõ nhiệm vụ và giải pháp cần làm đối với từng nhóm chỉ số và từng chỉ số thành phần; ngoài ra, còn có các chỉ tiêu cải cách thủ tục hành chính và quy định kinh doanh.
Theo Chủ tịch VCCI, nhiều nội dung doanh nghiệp kỳ vọng đã được cụ thể hoá như: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách.
Điều này nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Từ thực tiễn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất và Thương mại Thanh Sơn (Hưng Yên) cho hay doanh nghiệp mong đợi nhất là được gấp rút tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên mới tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất.
Năm nay, doanh nghiệp cũng kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Tài chính và địa phương sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó tạo thuận lợi và gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp.
Tương tự ông Thanh Sơn, Giám đốc Võ Thành Trung, đại diện Chuỗi nghỉ dưỡng Melody Retreat tại Hoà Bình cũng bày tỏ mong đợi, các ngành đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,...
Cùng với đó, nâng cấp các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đây sẽ là những đầu mối quan trọng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển thực sự cả vế chất lượng lẫn số lượng như kỳ vọng đặt ra.
Mong rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện, môi trường kinh doanh sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2024 và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh trong xã hội./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 15/02/2024
https://www.vietnamplus.vn/nghi-quyet-02nq-cp-tao-dong-luc-thuc-day-tinh-than-kinh-doanh-cho-doanh-nghiep-post927881.vnp