Cập nhật: 21/02/2024 08:31:00
Xem cỡ chữ

Trong phiên chợ ngày xuân, dễ dàng bắt gặp những trang phục truyền thống của người Mông, người Pà Thẻn hay người Dao Đỏ... Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thổ cẩm đã trở thành sản phẩm độc đáo được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Tuyên Quang.

Về huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) ngày này, những hàng cây mận ven đường đã nở từng chùm hoa trắng nổi bật trong triền xanh của cây rừng, núi đá… Sau khi cấy xong đám ruộng gần nhà, chị Ngô Thị Chín (ở thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) lại đến bên khung cửi và tiếng “lách cách, lách cách” đều đặn con thoi đưa sợi qua lại, những vuông vải sợi cứ dài thêm... 

Sau vài cuộc điện thoại, mấy chị em cùng bản đã tập hợp đông đủ. Thoăn thoắt đôi tay, người thì may vải chàm làm gối, người bật bông kéo sợi… tiếng nói cười lao xao cả nếp nhà sàn.

tho cam lam binh niu chan du khach hinh anh 1

Dệt thổ cẩm ở Lâm Bình được các bà, các chị tranh thủ lúc nông nhàn

Chị Ngô Thị Chín giới thiệu về công việc làm thêm của mình: "Công đoạn đầu tiên là lấy bông về rồi bật, bật xong mới kéo sợi, có sợi rồi mới se, se xong thì quấn quanh các cột nhà sàn để căng sợi cho vào khung dệt. Mình thích hoa văn nào thì dệt, nào thì hình hoa cà, hoa phay, các con vật... Một khổ vải dài 1,8m, 3 khổ nối với nhau được 1 mặt chăn. Nếu làm trực tiếp thì được nhiều sản phẩm trong một ngày đấy nhưng toàn tranh thủ thôi, các chị em ở đây toàn làm ruộng, rẫy, chỉ làm được buổi trưa và tối".

Đưa khách lên nhà sàn, nghệ nhân Chẩu Thị Sen (52 tuổi) ở bản Bó, xã Thượng Lâm giới thiệu về bộ chăn đệm, gối, đệm ngồi vẫn còn thơm mùi chàm mới, do con dâu bà mới làm khi về nhà chồng. Bà bảo, dù có thể không nhiều người trẻ biết làm nữa, nhưng trong những bản làng người Tày ở mảnh đất bên hồ Na Hang thơ mộng này vẫn còn gìn giữ được phong tục đẹp, khi về nhà chồng, người con gái sẽ làm chăn, đệm, gối, đệm ngồi để tặng ông bà, bố mẹ và các anh chị em bên gia đình nhà chồng, đủ mỗi người một bộ. Điều đó thể hiện lòng kính hiếu của nàng dâu mới cũng là thể hiện với gia đình nhà chồng rằng mình cũng khéo tay, đảm đang… Thế nên, nghề dệt thêu và làm chăn, gối, đệm thổ cẩm vẫn được đồng bào Tày nhất là phụ nữ ở đây miệt mài bảo tồn, gìn giữ như một phần cuộc sống.

tho cam lam binh niu chan du khach hinh anh 2

Thổ cẩm của người Tày ở Lâm Bình có các hình hoa văn như quả trám, hoa cà, hoa phay,...

"Tôi dệt vải từ năm 15 tuổi. Ngày đó, con gái không biết dệt vải thì chẳng ai muốn lấy làm vợ. Bố mẹ trồng bông cho mình dệt vải ở nhà. Sau những hôm đi đồng về là tự cán bông, bật, se sợi, lên khung, tự tìm hoa văn làm, dệt từ cái chăn, cái gối, đến cả tã dành cho con cái sau này. Ăn Tết xong là đi tìm chỗ ngồi dệt vải luôn. Mỗi nhà có con gái trong bản đều tự dệt. Về nhà chồng là có 13-14 cái chăn. Ngày trước là tự làm hết, bây giờ thì mua ở chợ một phần", nghệ nhân Chẩu Thị Sen cho biết.

Lâm Bình là vùng đất hội tụ những nền văn hoá đặc sắc của trên 10 dân tộc anh em, với các lễ hội truyền thống đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Lâm Bình lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những nội dung đột phá là “phát triển kinh tế ngành du lịch”. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã chú trọng đào tạo các nghề gắn với lợi thế của địa phương như: hướng dẫn du lịch, kỹ thuật về ẩm thực phục vụ du khách (chế biến món ăn, pha chế đồ uống) hay các nghề sản xuất sản phẩm lưu niệm như nghề đan lát mây, tre, giang; nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống…

tho cam lam binh niu chan du khach hinh anh 3

Bên hồ Na Hang thơ mộng vẫn còn gìn giữ được phong tục khi về nhà chồng, người con gái Tày sẽ làm chăn, đệm, gối, đệm ngồi để tặng ông bà, bố mẹ và các anh chị em bên gia đình nhà chồng.

Bà Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lâm Bình cho biết để khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, HTX Thổ cẩm Lâm Bình được thành lập từ đầu năm 2021, với 7 thành viên tham gia. Đến nay, HTX đã có trên 30 thành viên, chia ra thành nhiều tổ, nhóm cùng sở thích nằm trên địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, chăn thổ cẩm; nhóm thêu; nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm, nhóm quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Lâm Bình…. trên các trang mạng xã hội.

"Thấy được tiềm năng, thế mạnh của thổ cẩm là sản phẩm mà du khách ưa chuộng nhiều, đồng thời cũng là sản phẩm mà người lao động có thể đạt thu nhập, phù hợp sức lao động mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ nông thôn. Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy được nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào huyện vùng cao Lâm Bình", bà Ma Thị Hồng nói.

tho cam lam binh niu chan du khach hinh anh 4

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mà giờ đây những sắc xuân này đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Tuyên Quang.

Việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho Lâm Bình phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào. Xuân về, những quả còn nhỏ xinh làm bằng thổ cẩm được tung lên trong lễ hội Lồng Tông và treo ở hiên nhà sàn biểu trưng cho một năm mới mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, bản làng yên vui.

Theo Hoàng Hiền/VOV-Đông Bắc - 21/02/2023

https://vov.vn/du-lich/tho-cam-lam-binh-niu-chan-du-khach-post1077883.vov