Với quan điểm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” đã trở thành tư tưởng xuyên suốt trong các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc những năm qua. Nhằm nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội.
Chăm lo cho các đối tượng yếu thế là nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên, chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, với nhiều cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức vận động, triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 900 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 236 nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng, giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Tỉnh ủy đã có chủ trương và quan điểm rất đúng đắn về kết hợp biện chứng giữa phát triển kinh tế và chính sách xã hội. Nhằm giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển hàng trăm tỷ đồng ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các gói vay ưu đãi cho người dân.
Năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho hơn 25.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, với doanh số cho vay hơn 1.370 tỷ đồng. Riêng doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt hơn 114 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 4.500 tỷ đồng, qua đó giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để mọi người ai cũng có Tết, không để ai ở lại phía sau, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ngoài các phần quà của Trung ương dành cho các đối tượng chính sách, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nguồn kinh phí trên 38 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà cho người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó tỉnh cũng tổ chức vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện hỗ trợ trên 63.000 phần quà với tổng giá trị gần 34 tỷ đồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, để mọi người đều được đón tết đủ đầy, ấm áp; góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Luôn quan tâm lĩnh vực an sinh xã hội, Vĩnh Phúc đặt con người vào trung tâm của sự phát triển và mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển; tất cả việc làm đều vì người dân, hướng đến Nhân dân. Theo thống kê, mức chi cho các đối tượng an sinh xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc được phủ kín và mở rộng, cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần so với toàn quốc. Những năm 2000, chi đảm bảo xã hội từ ngân sách của tỉnh ở mức khoảng 20 tỷ đồng, thì đến năm 2021 đã tăng lên gần 700 tỷ đồng. Và từ năm 2022 đến nay, Vĩnh Phúc chi gần 1.000 tỷ đồng cho lĩnh vực an sinh xã hội, cao gấp hơn 50 lần so với những năm 2000.
Tiến bộ, công bằng xã hội đã đi đôi với sự phát triển, điều này đã được tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện qua từng chính sách. Đây cũng là yêu cầu mà Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Trong năm Giáp Thìn - Năm đầu tiên Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.
Cùng với các chính sách xã hội của Trung ương, các chính sách an sinh xã hội của tỉnh cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đa tầng, bao phủ, để người dân Vĩnh Phúc đều được thụ hưởng từ thành quả phát triển của tỉnh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Lưu Trường