Cập nhật: 24/02/2024 08:55:00
Xem cỡ chữ

Mặc dù tăng trưởng tín dụng (TTTD) tháng đầu tiên của năm 2024 giảm nhưng theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, nông - lâm - thủy sản chính là điểm sáng giải ngân tín dụng trong thời gian qua.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân xong. (Ảnh: Thanh Thanh)

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân xong. (Ảnh: Thanh Thanh)

Giải ngân 100% gói tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do NHNN tổ chức ngày 20/2 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải, tín dụng tháng 1 giảm là do thời vụ và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) yếu chứ không do cơ chế. “NHNN đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng…” - lãnh đạo NHNN cho hay.

Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên NHNN đã thay đổi cơ chế điều hành tín dụng, giao toàn bộ hạn mức TTTD ngay từ đầu năm là 15%, đồng thời có công văn yêu cầu các TCTD thúc đẩy tín dụng hỗ trợ DN và nền kinh tế.

“Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, DN hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó…” - Phó Thống đốc phân tích.

Trước thực tế đó, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đẩy mạnh các giải pháp TTTD, đặc biệt yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, NHNN yêu cầu các NHTM phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả.

Mặc dù TTTD thấp song theo lãnh đạo NHNN, có những điểm sáng về giải ngân tín dụng. Điển hình như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

“Việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực. Chưa đầy 1 năm nhưng đã giải ngân hết gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các NHTM tham gia… - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định. Đồng thời cho biết NHNN cũng đã tiếp tục chỉ đạo các NHTM đã và đang tham gia sẽ tiếp tục có gói bổ sung gói này thêm 15.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là sẽ có 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản…

Tiếp vốn cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Là ngân hàng chủ lực cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cho biết, với việc phân bổ chỉ tiêu TTTD ngay từ đầu năm, ngay từ đầu năm Agribank đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai nên hầu như không có vướng mắc gì về mặt chỉ tiêu, lãi suất, nguồn vốn,… chỉ có vướng mắc là có khách hàng để cho vay hay không.

Cũng theo lãnh đạo Agribank, do đặc thù của cho vay nông nghiệp có tính rủi ro lớn, ngân hàng đã chủ động làm việc chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân Việt Nam để đẩy mạnh việc cho vay trong thời gian tới. “Chính phủ đã có cam kết về Net Zero, tôi đề nghị NHNN có những định hướng chung và tiêu chí về những ngành nghề để chúng tôi thực hiện và tư vấn đúng cho khách hàng…” - lãnh đạo Agribank đề xuất.

Khẳng định chỉ tiêu TTTD 15% trong năm nay có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp TTTD đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao) và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, các NHTM tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên; vốn tín dụng phục vụ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; tập trung vốn nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, thúc đẩy thực hiện cam kết COP 26.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các NHTM mới giải ngân cho 6 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4,5 tỷ đồng. NHNN yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo baophapluat.vn - 24/02/2024

https://baophapluat.vn/diem-sang-tang-truong-tin-dung-nong-lam-thuy-san-post504626.html