Cập nhật: 28/02/2024 09:11:00
Xem cỡ chữ

Trên mọi nẻo đường và khắp các bản làng Tây Bắc mỗi độ xuân, đâu đâu cũng rực rỡ muôn sắc hoa, của đào, mận, lê, ban… Nhưng có lẽ, không hề quá khi gọi Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là bản hoa đào, bởi sự đặc biệt của cánh đào nở trong không gian vùng rẻo cao nơi đây.

Trên độ cao hơn 1.400m, Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là nơi cư trú của hơn 60 hộ gia đình người dân tộc Dao đầu bằng.

Cách thị trấn Tam Đường chừng 6 cây số, con đường ngoằn ngoèo dẫn lên bản có độ dốc cao và địa hình hiểm trở, nhưng cảnh vật vô cùng đặc sắc với non nước hữu tình.

Chính điều kiện địa lý này là yếu tố tăng độ hấp dẫn đối với nhiều du khách yêu thích loại hình du lịch khám phá.

Xuân năm nay đến muộn do là năm nhuận, thêm thời tiết ấm nóng, phần lớn hoa mận, hoa đào trong vùng đã nở hết, chuyển sang giai đoạn đậu quả. Nhưng trên Sì Thâu Chải, mận, đào vẫn bung cánh rực rỡ, tỏa sắc khắp không gian, đón khách từ cổng chào đến cuối bản.

Ấn tượng hoa đào ở Sì Thâu Chải khiến nhiều du khách phải chạm nhẹ vào cánh hoa bởi cảm giác “nhìn như hoa lụa”. Bông đào 5 cánh lớn, nở căng, màu hồng tía khác lạ. Hoa có mật độ dày, khi nở đều tạo ấn tượng nổi bật trên nền xanh biếc của trời, xanh lục của núi, nhất là trong ngày nắng.

Gặp trời mù sương, đào hiện ra lúc tỏ, lúc mờ, ẩn hiện trên mái những ngôi nhà gỗ của người Dao, khung cảnh thật là vi diệu.

Từ trên cao, du khách có thể chiêm ngưỡng thung lũng ruộng bậc thang dưới sườn núi trong bảng lảng mây bay, hay lấp lánh như dát bạc vào mùa đổ nước.

Tầm trung tuần tháng 7 là mùa lúa chín vàng. Vào ban đêm, nhìn về phía xa là thị trấn Tam Đường lung linh trong ánh đèn như như hàng nghìn đốm sao nhấp nháy.

Cũng nhờ vị trí và địa hình lý tưởng, bản Sì Thâu Chải được chọn là điểm trải nghiệm của các câu lạc bộ dù lượn khi mùa khô về. Nhiều đoàn leo núi cũng chọn nơi đây là điểm xuất phát trên hành trình chinh phục đỉnh Putaleng cao 3.049 m.

Trong 3 lựa chọn leo lên đỉnh Putaleng, cung khởi hành từ Sì Thầu Chải , kết thúc tại Tả Lèng trong 3 ngày 2 đêm, được cho là cung “khó nhưng gì cũng có”, có biển mây, có suối trong luồn lách xuyên rừng, cổ thụ rêu phong, địa y xanh rượt …

Đặc biệt, trong khoảng tháng 2, tháng 3, người leo núi sẽ được chiêu đãi những “bữa tiệc” mãn nhãn bởi hoa đỗ quyên nở rực trên các vạt rừng già.

Đến Sì Thâu Chải để nghe người già kể về sự tích đỉnh Hổ gầm; để chiêm ngưỡng thác nước Tác Tình như dải lụa trắng khổng lồ thướt tha thả mềm theo vách núi.

Truyền thuyết của đồng bào nơi đây kể rằng, Tác Tình được đặt tên thác nước bởi dân gian lưu truyền câu chuyện bi thương về tình yêu của đôi trai gái bị cha mẹ cấm đoán. Họ dẫn nhau trốn vào núi sâu, khi dân bản tìm thấy, họ đã chết bên nhau dưới chân thác nước.

Nếu may mắn, du khách sẽ được chứng kiến lễ Tủ Cải, nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời của người con trai Dao đầu bằng từ khi lên 9, hoặc đến 16 tuổi.

Theo anh Lù A Pao, chủ homestay Pao Bạch, người Dao đầu bằng quan niệm, người con trai trong dòng tộc thì phải được tổ tiên chứng nhận qua lễ Tủ Cải, để khi mất đi thì linh hồn được quy tụ về đất tổ. Ai thụ lễ mới được coi là người đủ tư cách gánh vác công việc trong dòng tộc, cộng đồng.

Đến Sì Thâu Chải những dịp lễ trọng để ngắm vẻ đẹp của các cô gái trong trang phục truyền thống và lý giải vì sao gọi là Dao đầu bằng, từ chiếc mũ đội đầu.

Trước đây, mũ được bện bằng chính suối tóc của người phụ nữ. Phần chóp mũ gắn khối kim loại hình chữ nhật, thường được chạm trổ bằng bạc, với họa tiết rất đẹp, có kết tua rua. Cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi, mũ có thể được kết bằng sợi chỉ nhuộm màu đen.

Trong bản đồ du lịch tỉnh Lai Châu, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bởi cảnh quan tự nhiên, sạch đẹp, con người gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Những ngôi nhà gỗ nằm hai bên lối đi lát đá, các bờ rào xếp đá bao quanh.

Mùa nào hoa cũng nở. Có10 gia đình tham gia mô hình homestay, các gia đình còn lại cùng cung cấp các sản phẩm đặc trưng bản địa, phục vụ nhu cầu lưu trú, thưởng thức ẩm thực của du khách.

Nếu yêu thiên nhiên và mong muốn những khoảnh khắc sống chậm, lên tới Tam Đường, bạn đừng nên bỏ qua Sì Thâu Chải nhé!

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 1

Không gian văn hóa dân tộc Dao ở Sì Thâu Chải.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 2

Hoa đào, hoa mận nở bừng trên lối nhỏ.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 3

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 4

Thềm nhà có hoa.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 5

Hoa trên đá...

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 6Cuộc sống bình yên

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 7

Sắc xuân mới trên bản làng.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 8

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 9

Môi trường du lịch sạch đẹp là điểm cộng cho Sì Thâu Chải.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 10

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 11

Tiêu chí thân thiên môi trường được lựa chọn tại các homestay khi các vật liệu phần lớn được tận dụng từ cây, gỗ.

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 12

Sắc xuân trên bản người Dao đầu bằng - Sì Thâu Chải ảnh 13

Hàng rào đá là nét đặc sắc tạo cảnh quan nơi đây.

Theo nhandan.vn - 22/02/2024

https://nhandan.vn/sac-xuan-tren-ban-nguoi-dao-dau-bang-si-thau-chai-post797140.html