Ngày càng có nhiều quan điểm ở Mỹ và châu Âu về việc Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Thậm chí một số nhận định trên các hãng truyền thông Mỹ như CNBC còn đang nói về một lệnh ngừng bắn.
Có một câu hỏi đặt ra: Đó là nếu Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, Mỹ và NATO sẽ làm gì tiếp theo? Họ sẽ đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà không có câu trả lời nhanh chóng hay dễ dàng.
Một lựa chọn là cố gắng đạt được thỏa thuận ngừng bắn, duy trì các cuộc đàm phán "giả" với Nga và sau đó nối lại giao tranh sau khi Ukraine huấn luyện thêm binh lính và tiếp tục tấn công trở lại.
Tuy nhiên, Nga sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này từ khi các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là cựu Thủ tướng Angela Merkel công khai tuyên bố, các cuộc đàm phán của Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) năm 2014 và 2015 là kế hoạch nhằm câu giờ trong khi NATO huấn luyện quân đội Ukraine cũng như hỗ trợ trang thiết bị cho nước này để chuẩn bị chiến đấu khi họ sẵn sàng. Đây là một bài học sâu sắc với Tổng thống Nga Vladimir Putin và giờ đây Điện Kremlin hiểu rằng tất cả "sáng kiến hòa bình" do Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy đều chỉ nhằm đánh lừa Nga.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thậm chí còn có những tuyên bố đi xa hơn khi ông nhận định với hãng tin Tass rằng Nga chỉ đàm phán với chính quyền mới của Ukraine mà không có các nhà lãnh đạo hiện tại, tức là Tổng thống Zelensky và các quan chức trong chính quyền của ông.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn với Der Spiegel được công bố ngày 9/2/2023 rằng ông đã từ chối thực hiện các Thỏa thuận Minsk, một lộ trình nhằm hướng tới hòa bình ở miền Đông Ukraine do Đức và Pháp đồng bảo trợ. Tổng thống Zelensky cho biết ông coi các thỏa thuận trên là "sự nhượng bộ" ở phía Ukraine và chưa bao giờ thực sự tìm cách thực hiện chúng. Thay vào đó, chúng chỉ được sử dụng để trao đổi tù binh với 2 nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở khu vực Donbass.
Tuy nhiên, chính Tổng thống Zelensky cũng tự tạo ra một vấn đề mà không có lối thoát cho ông. Ông đã trình Quốc hội Ukraine thông qua sắc lệnh tổng thống, theo đó khẳng định việc đàm phán với Nga là bất hợp pháp cho tới khi các lực lượng của Moscow rút toàn bộ khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea. Như vậy, rõ ràng sắc lệnh này đã ngăn chặn việc đàm phán với Nga.
Trong thời gian tới, Ukraine sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào các tài sản của Nga và nối lại việc ném bom Crimea với ý định gửi đi một thông điệp cứng rắn tới Tổng thống Putin. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra với sự ủng hộ của Mỹ và NATO, Ukraine sẽ đối mặt với các hành động leo thang đáng kể từ phía Nga.
Nga có mục tiêu đưa NATO ra khỏi Ukraine và phi quân sự hóa nước này. Trong kết quả do Nga đề xuất, trước đây Moscow nghĩ rằng một khi xung đột kết thúc theo những điều kiện có lợi, với sự ra đi của NATO và Ukraine được phi quân sự hóa, Kiev có thể tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ bất kỳ quốc gia nào mà họ lựa chọn. Nhưng thái độ của Nga về các mục tiêu của cuộc xung đột đang thay đổi.
Những bình luận của ông Medvedev dường như cho thấy một khả năng khác có thể được thảo luận. Những thành quả lãnh thổ của Nga cũng sẽ được đàm phán và Nga có lẽ muốn củng cố chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là tầm nhìn của Nga về tương lai Ukraine sẽ như thế nào.
Moscow đang nói về nhu cầu cần thiết lập một vùng đệm để chống lại các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Với những tên lửa tầm xa như ATACMS và khả năng Đức chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa, đặc biệt là Taurus cho Ukraine, một vùng đệm sẽ phải được thiết lập ở phía Tây sông Dnieper.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là NATO liệu có mạo hiểm tham gia vào cuộc xung đột với Nga? Trên thực tế, không phải tất cả các thành viên NATO đều nhất trí thực hiện Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thủ nếu xung đột với Nga nổ ra. Họ hiểu họ đang ở trên sợi dây rất mong manh và thiếu sự ủng hộ của dư luận để đi đến xung đột vì Ukraine.
Giữa bối cảnh kho vũ khí châu Âu chủ yếu đã cạn kiệt, chính sách tốt nhất của NATO sẽ là cố gắng tìm cách đối thoại với Nga.
Dù vậy, gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố liên minh này cho phép Ukraine tấn công vào bên trong nước Nga và các tiêm kích F-16 sẽ sớm đến tay Kiev. Đáp lại, Nga cho biết, nếu tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất tấn công nước này, Ukraine sẽ không còn là mục tiêu duy nhất.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 27/2/2024
https://vov.vn/the-gioi/neu-ukraine-khong-the-thang-nga-phuong-tay-se-lam-gi-tiep-theo-post1079038.vov