Mới đây Bộ GD&ĐT đã yêu cầu không sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào THPT, việc này nhận được không ít ý kiến từ dư luận xã hội, trong đó không ít ý kiến đồng thuận. Thậm chí, theo chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương, cần tính toán áp dụng điều tương tự với kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, cao đẳng.
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cụ thể với TS Vũ Thu Hương
PV: Trước hết, xin bà cho biết quan điểm của mình về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS?
Mới đây Bộ GD&ĐT đã yêu cầu không sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào THPT, việc này nhận được không ít ý kiến từ dư luận xã hội, trong đó không ít ý kiến đồng thuận.
TS Vũ Thu Hương: Tôi thấy đây là một quyết định hợp lý. Tuy nhiên, tôi mong muốn là nó được đưa ra từ sớm hơn rất là nhiều. Dù muộn nhưng có còn hơn không, chúng ta cũng đã đưa ra kết luận rất chính xác. Lý do là tiếng Anh chỉ là một ngành ngoại ngữ, nó chỉ là một kỹ năng cần thiết nhưng không phải là kĩ năng tối quan trọng.
Do vậy, khi chúng ta đưa những yêu cầu có thể lấy điểm tiếng Anh để thay thế thì rõ ràng chúng ta đã kéo mọi chuyện trở nên lệch hướng, và chúng ta cũng đã nhìn thấy những bất cập. Ví dụ như điểm IELTS các bạn sẽ phải thi với những kiến thức khó hơn lứa tuổi của mình, để có đủ điểm đổi với điểm thi trung học phổ thông và bên cạnh đó thì các bạn phải học tiếng Anh rất nhiều, sẽ lấy đi của các bạn thời gian cho những ngành nghề khác.
Chính vì vậy, việc chúng ta để điểm tiếng Anh trao đổi trong những kỳ thi lớn như kỳ thi trung học phổ thông hay kỳ thi đại học là những điều rất bất hợp lý.
PV: Sẽ có thể có một bộ phận các bạn học sinh rơi vào thế “trở tay không kịp” do không thể sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào THPT. Với các trường hợp đó, bà có lời khuyên gì?
TS Vũ Thu Hương: Nếu mà chúng ta hy vọng vào những vị trí top hoặc là những trường top cao thì có lẽ là chúng ta sẽ gặp một số bất lợi. Còn việc học của các bạn vẫn tiến hành đều đều ở trường, nghĩa là các bạn vẫn đang thu nạp kiến thức bình thường và việc thi cử không hề có chút đánh đố gì cả. Điều quan trọng là các bạn có bị hổng kiến thức hay không? Các bạn có bỏ lỡ những bài học quan trọng hay không?
Cân nhắc không sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trong tuyển sinh Đại học.
Nếu như không có hai câu chuyện trên thì các bạn không phải lo lắng. Bây giờ vẫn là thời điểm phù hợp để các bạn bắt tay vào luyện thi. Không có gì là quá khó khăn. Trước hết đến giờ một số sở GD&ĐT trên cả nước chưa công bố môn thi thứ tư, nghĩa là chúng ta vẫn còn có rất nhiều thời gian ôn thi.
Như vậy, chúng ta cần phải có một lịch trình ôn thi phù hợp, có một thời gian biểu phù hợp thì lúc đó các bạn sẽ rất vững vàng kiến thức và các bạn sẽ không gặp bất kể khó khăn gì trong kỳ thi lớn sắp tới.
PV: Đó là với công tác tuyển sinh THPT, vậy còn với tuyển sinh vào Đại học, cao đẳng, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thế nào là hợp lý?
TS Vũ Thu Hương: Tôi nghĩ việc điều chỉnh là hoàn toàn cần thiết, bởi vì cũng giống như THPT, tiếng Anh chỉ là một kỹ năng cần có chứ không phải thay thế cho những tiêu chí khác, và với mỗi ngành nghề thì người ta lại cần những kiến thức chuyên sâu của một bộ môn nào đó.
Do vậy, chỉ những ngành nghề mà cần thiết tiếng Anh thì lúc đó chúng ta mới có thể cần thay thế thôi. Và việc thay thế này cũng cần cân nhắc. Bởi vì điểm IELTS nó cũng chỉ thể hiện một số năng lực tiếng Anh chứ không phải là tất cả khả năng về bộ môn này. Do vậy, mỗi trường, mỗi nghề cần phải cân nhắc.
Tôi lấy thêm một ví dụ nữa là nếu như các bạn muốn trở thành giáo viên mầm non thì rõ ràng các bạn dám trình diễn văn nghệ trước mặt các em học sinh hay không? Các bạn có hiểu tâm lý của các em hay không? Các bạn có kiên nhẫn hay không? Hoặc là các bạn có nói năng đầy đủ không? Nói ngọng hay không? lại là những tiêu chí rất quan trọng của giáo viên mầm non.
Nếu chúng ta sử dụng IELTS để tuyển sinh ngành giáo viên mầm non thì rõ ràng là chúng ta đang sai và khi các bạn vào học các bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn. Do vậy, đại học cũng cần được điều chỉnh giống như kỳ thi trung học phổ thông và điểm IELTS có lẽ chúng ta không nên áp dụng cho những kỳ thi quá lớn.
Chúng ta có thể lựa chọn những kỳ thi khác, ví dụ như kỳ thi học kỳ môn tiếng Anh hoặc là một số kỳ thi nhà trường, như vậy thì sẽ phù hợp hơn rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Xuân Tú/VOV-Giao thông - 01/03/2024
https://vov.vn/xa-hoi/can-nhac-khong-su-dung-chung-chi-tieng-anh-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-post1079836.vov