Cập nhật: 11/03/2024 09:12:00
Xem cỡ chữ

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế nhằm tạo dựng môi trường nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh trên địa bàn. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai, trong đó tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2016, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên đã phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón q

uốc gia, các Viện, đơn vị nghiên cứu đầu ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thành công mô hình nghiên cứu, trồng thử nghiệm sâm Hàn Quốc, một số giống sâm quý bản địa Việt Nam và trồng Wasabi ứng dụng công nghệ Smart farm.

Công ty cũng phối hợp, liên kết với các đơn vị, đối tác trong và ngoài nước thử nghiệm các giống phân bón mới, các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi và trồng trọt; xây dựng phòng thử nghiệm nuôi cấy ứng dụng công nghệ sinh học cho một số giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao.

Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng các máy móc nông nghiệp hiện đại như máy thu hoạch và công nghệ AI vào các hoạt động trồng trọt, nuôi cấy, nghiên cứu. Với việc ứng dụng nhiều công nghệ thông minh đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, mở ra nhiều triển vọng hợp tác, xuất khẩu nông sản đi các nước.

Vĩnh Phúc luôn xác định lấy khoa học công nghệ là điểm tựa chính để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công nghệ tham gia sản xuất nông nghiệp.

Đặng Thưởng