Cập nhật: 13/03/2024 07:46:00
Xem cỡ chữ

Đến với Tuyên Quang vào dịp đầu năm, du khách sẽ có dịp hòa mình Lễ hội Lồng tông, một lễ hội mang ý nghĩa văn hóa tâm linh độc đáo, đậm giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

 Thầy cúng thực hiện nghi lễ

Cứ vào dịp đầu Xuân trên khắp các bản làng của người Tày ở huyện Chiêm Hóa và Lâm Bình bà con lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng tông (Lễ hội xuống đồng) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất của dân tộc Tày được tổ chức trong dịp đầu Xuân năm mới. Lễ hội thường được đồng bào dân tộc Tày tổ chức vào tháng Giêng với mong muốn gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no nhà nhà hạnh phúc.

Lễ hội Lồng tông ở Tuyên Quang, là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa tộc người Tày rất độc đáo, là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ, đồng thời cũng chứa đựng đầy đủ những nét bản sắc văn hóa riêng có của người Tày, như văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, phong tục tập quán, trò chơi dân gian...

 Du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian

Theo truyền thống, Lễ hội Lồng tông có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Để chuẩn bị cho lễ hội, đồng bào dân tộc Tày ở các thôn bản cùng nhau chuẩn bị mỗi thôn một mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, cặp bánh chưng Tày và các loại bánh giày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc... Các mâm lễ được xếp thẳng hàng trước lễ đài. Chủ lễ là thầy mo người Tày của bản đứng trước mâm lễ khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm mới an khang tốt lành.

 Lễ hội Lồng tông chứa đựng mong ước về một cuộc sống yên lành, no đủ

Sau phần lễ là phần hội với các điệu múa đặc sắc của các chàng trai, cô gái người Tày tham gia múa khăn, múa quạt. Họ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, đánh yến, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ, thi cấy và thi trâu cày ruộng tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu năm mới. Những trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của người Tày.

Với những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh, Lễ hội Lồng tông là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn của người Tày ở Tuyên Quang. Việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tông ngày một quy mô, bài bản ở Tuyên Quang góp phần phát huy nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của người Tày là một điều rất đáng trân trọng. Từ đó, góp phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, từng bước tạo sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách mỗi khi đến với xứ Tuyên. 

Theo baovanhoa.vn - 06/02/2024

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/75430/ve-xu-tuyen-vui-hoi-long-tong