Ly nông, ly hương đã và đang là câu chuyện phổ biến ở các vùng nông thôn kể từ khi Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp với nhu cầu lớn về nguồn lao động phổ thông. Tuy nhiên, khi công nghiệp đã về làng, bài toán về ly hương đi tìm kiếm việc làm đã được giải quyết. Không còn phải đi làm xa, nhiều lao động ở huyện Sông Lô đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định ngay trên quê hương.
Nhiều năm trước đây, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Yên Thạch cũng như nhiều lao động tại các xã của huyện Sông Lô muốn tìm việc làm tại các doanh nghiệp thì phải đi rất xa, từ các khu công nghiệp của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến các doanh nghiệp tại thành phố Vĩnh Yên hoặc huyện Bình Xuyên. Tuy nhiên, từ khi Công ty TNHH May mặc và xuất khẩu Vitgrament được đầu tư và đi vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Đồng Thịnh, chị Lan và nhiều lao động khác của huyện Sông Lô đã có được việc làm ổn định với thu nhập khá ngay trên quê hương.
Nắm bắt được nhu cầu việc làm của người dân huyện Sông Lô, đặc biệt từ khi hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, Công ty TNHH May mặc và xuất khẩu Vitgrament đã lựa chọn huyện Sông Lô để phát triển nhà máy. Được đầu tư xây dựng từ năm 2016 và đi vào hoạt động năm 2017 với diện tích 2ha ở cụm Công nghiệp Đồng Thịnh, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 200 đến 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/1 người/1tháng. Với 70.000 sản phẩm hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hằng tháng, công ty dự kiến mở rộng gấp đôi dây chuyền sản xuất, tuyển dụng công nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của huyện Sông Lô, xã Đồng Thịnh đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng Khu, Cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó, cụm công nghiệp Đồng Thịnh đã giải phóng mặt bằng được 99% và đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư; khu công nghiệp Sông Lô 2 đã khởi công và khu công nghiệp Sông Lô 1 đang hoàn thiện các bước giải phóng mặt bằng để khởi công thời gian tới.
Trong số hơn 200 công nhân của Công ty TNHH May mặc và Xuất khẩu Vitgrament có rất nhiều lao động cách đây chưa lâu còn chân lấm, tay bùn trên đồng ruộng. Tuy nhiên, từ khi công nghiệp về làng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn khi người lao động được làm việc gần nhà với thu nhập cao, công việc ổn định. Đây cũng là tiền đề để huyện miền núi Sông Lô và các địa phương khác đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo diện mạo mới cho quê hương.
Ngọc Anh