Cập nhật: 15/03/2024 08:10:00
Xem cỡ chữ

Căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi trong giai đoạn cuối xuân sang hạ là viêm nhiễm đường hô hấp. Người nhà nên để ý nhịp ăn, uống, ngủ, nghỉ và vận động của người già để phát hiện phát hiện sớm biểu hiện của bệnh, tránh biến chứng nặng.

Trong mùa xuân, nhất là giai đoạn cuối xuân sang hè, khi những đợt nắng ấm đan xen cùng gió mùa, thời tiết nồm ẩm, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cho cơ thể mệt mỏi, khó chịu và dễ bị nhiễm bệnh, nhất là người già có sức đề kháng kém. Một trong những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi trong mùa xuân – hạ là viêm nhiễm đường hô hấp.

vi sao nguoi cao tuoi de nhiem benh duong ho hap khi giao mua hinh anh 1

Viêm nhiễm đường hô hấp là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi giao mùa

BS Nguyễn Chí Bình – nguyên cán bộ Viện Lão khoa TW cho biết, do đặc điểm tuổi tác, hệ thống hô hấp và các chức năng khác của người cao tuổi suy giảm dần theo thời gian. Cũng như các cơ khác trên cơ thể, các cơ của hệ hô hấp trở nên yếu hơn và do đó có thể làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, ở những người hút thuốc lá, thuốc lào thì đường hô hấp, nhu mô phổi vốn đã bị tổn thương nên nguy cơ bội nhiễm virus, vi khuẩn cũng tăng cao hơn so với người trẻ.

Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, nhà ở chật chội, không thông thoáng cộng với khói của bếp than, bếp củi cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn chuyển hóa có nguy cơ cao mắc viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh viêm đường hô hấp ở người cao tuổi dễ bị bỏ sót, không được phát hiện sớm

Các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi trong giai đoạn này là cảm lạnh, cúm mùa, viêm phế quản, viêm phổi, các đợt cấp của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Qua thực tế, bác sĩ Nguyễn Chí Bình nhận thấy, bệnh viêm đường hô hấp ở người cao tuổi dễ bị bỏ sót, không được chẩn đoán, phát hiện sớm. Nguyên nhân là do triệu chứng bệnh hô hấp ở người cao tuổi thường mờ nhạt, không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, ho nhẹ. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường ngại đi bệnh viện, ngại phiền con cháu nên dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Nhiều trường hợp bệnh trở nặng mới nhập viện trong tình trạng khó thở, suy kiệt và suy hô hấp, phải hồi sức và điều trị tích cực, việc phục hồi hệ hô hấp khá khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong đợi.

Theo bác sĩ Nguyễn Chí Bình, để phát hiện phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính ở người cao tuổi, con cháu hoặc người chăm sóc, gần gũi nên để ý nhịp ăn, uống, ngủ, nghỉ và vận động của người cao tuổi. Nếu nhận thấy người già có dấu hiệu mệt mỏi, ăn kém, nằm nhiều, ho nhiều hơn, tăng nhịp thở lúc ngủ thì đây là những dấu hiệu cần quan tâm, đặc biệt ở người có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, người có tiền sử hút thuốc và bệnh phổi nhiều năm. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, người cao tuổi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở người cao tuổi

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, BS Nguyễn Chí Bình khuyên người cao tuổi nên chú ý giữ ấm ngực và đôi chân, kể cả khi đi tập thể dục ngoài trời; không nên để chân tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà lạnh.

Mặt khác nên tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đủ chất,cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cưỡng rau quả và trái cây tươi để bổ sung các vitamin, giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Người cao tuổi nói chung thường rất ngại uống nước và không uống đủ lượng nước được khuyến cáo. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Chí Bình, việc uống nước có tác dụng rất tốt trong việc phòng tránh các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, giúp giảm kích ứng, giảm khô họng, loãng dịch đờm, lưu thông khí huyết; nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Cùng với chế độ ăn uống, người cao tuổi cũng nên chú ý luyện tập thể dục, nhất là các bài tập thở để tăng cường thông khí hệ hô hấp. Nên tập thở sâu ở mọi nơi, mọi lúc, ưỡn ngực, giơ hay tay lên cao, thở ra hết rồi mới hít vào. Về đêm, khi dậy đi vệ sinh nên thở sâu nhiều lần trước khi ngồi dậy và nên chú ý mặc ấm, tránh để bị nhiễm lạnh khi ra khỏi giường khiến bệnh hô hấp tái phát.

Bên cạnh đó, hàng năm, người cao tuổi nên chú ý tiêm vaccine phòng bệnh cúm mùa, vaccine phế cầu để phòng ngừa các bệnh lý lây qua đường hô hấp. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Đặc biệt, người cao tuổi thường ngại rửa tay. Tuy nhiên, BS Nguyễn Chí Bình khuyến cáo, việc vệ sinh bàn tay rất quan trọng trong việc phòng bệnh nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng. Do đó, người cao tuổi nên chú ý thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình cũng rất quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý đường hô hấp cho người cao tuổi và các thành viên trong gia đình. Khi trời nồm ẩm nên đóng kín cửa để trong nhà được khô ráo nhưng khi thời tiết ấm và khô thì nên mở cửa để nhà ở thông thoáng.

Theo Ánh Tuyết/VOV2 - 13/04/2024

 https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-nguoi-cao-tuoi-de-nhiem-benh-duong-ho-hap-khi-giao-mua-post1082382.vov