Cập nhật: 25/03/2024 16:23:00
Xem cỡ chữ

Những người lính Ukraine này bị bao vây tại thị trấn Avdiivka và rơi vào thế chiến đấu sinh tử tại hầm cố thủ. Có trường hợp bị kẹt lại trong boong-ke hơn 1 tháng trời trước những đợt tiến công mãnh liệt của phía Nga.

Trận chiến giữa lính Ukraine và quân Nga bên trong thị trấn Avdiivka phản ánh mức độ dữ dội của xung đột Nga - Ukraine khi hai bên cận chiến.

nghet tho canh linh ukraine chong choi quan nga vay xung quanh boong-ke hinh anh 1

Lính Ukraine nằm rạp để tránh hỏa lực Nga tại mặt trận Avdiivka. Ảnh: AP.

Hai quân nhân Ukraine bị kẹt lại trong boong-ke. Sau khi đẩy lui các đợt xung phong của lính Nga vào boong-ke của họ - một căn hầm nhỏ gần một ngôi nhà bỏ hoang, họ rơi vào thế ở ngay bên dưới chân đối phương.

Binh nhất Vladyslav Molodykh, 39 tuổi (sử dụng hô hiệu là Hammer) kể lại: “Đối phương bao vây chúng tôi và bắt đầu ném lựu đạn. Họ hô to: Đầu hàng thì sống”.

Lúc đó là 10h sáng 14/12/2023. Molodykh phải mất 41 ngày nữa thì mới an toàn thoát ra khỏi căn hầm băng giá và chật chội này, khi chỉ còn một mình.

Trận chiến quanh boong-ke này ở Avdiivka (miền Đông Ukraine) chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng loạt đụng độ ác liệt dọc theo chiến tuyến khoảng 1.000km giữa Nga và Ukraine nhưng lại phản ánh mức độ khó khăn trong cả tấn công lẫn phòng ngự của cuộc xung đột vũ trang này, khi hai bên ngày càng phải cận chiến một cách đẫm máu.

Binh nhất Molodykh thuộc Lữ đoàn Hager 71 kể lại câu chuyện của mình từ giường bệnh, nơi anh ta đang phục hồi sau khi hứng chịu nhiều vết thương do giao chiến và cả tổn thương do thời tiết băng giá.

Bộ binh Nga ào ạt tiến công boong-ke Ukraine

Molodykh tình nguyện gia nhập quân đội Ukraine vào thời điểm 6 tháng trước khi nổ ra xung đột quân sự Nga - Ukraine. Khi được triển khai tới Avdiivka, anh không còn lạ lẫm với “tuyến số 0” nữa. Tuyến này là nơi đối phương chỉ ở cách chưa tới 30,5m, còn UAV thì thường trực lơ lửng trên đầu.

Vào ngày 13/12/2023, binh nhất Molodykh và 3 người lính khác được triển khai tới một vị trí là một ngôi nhà bị bỏ hoang ở phía Nam Avdiivka. Cạnh ngôi nhà là một căn hầm, vốn được sử dụng để cất trữ rau củ và lương thực vào mùa đông. Khoảng không bên trong căn hầm chỉ tương đương khoảng 2 phòng, không có cửa sổ. Hầm dẫn vào nhà thông qua một đường hầm nhỏ hẹp. Từ căn hầm nay, 2 người lính Ukraine phải lẻ loi chiến đấu vì mạng sống của chính mình.

Về phía Nga, việc đánh chiếm các boong-ke bao gồm những căn hầm như thế này cũng không đơn giản chút nào, đôi khi phải trả giá xương máu không nhỏ. Không quân Nga trước đó đã oanh tạc dọn đường, phá hủy nhiều công sự của Ukraine tại đây nhưng quân đội Nga vẫn cần đến bộ binh để đột kích vào các boong-ke có lính cố thủ bên trong.

Ngôi nhà mà binh nhất Molodykh bám trụ được quân đội Ukraine sử dụng làm chốt quan sát. Quân Ukraine đã bố trí các hỏa điểm bên trong boong-ke.

Nhưng khi binh nhất Molodykh và đơn vị của anh ta đến địa điểm này, khu vực xung quanh đã bị màn sương dày che phủ, nên quân Nga có thể dễ dàng tiếp cận mà không bị phát hiện.

Ngay sau đó, quân Nga tổ chức tấn công.

Binh nhất Molodykh kể, “chúng tôi đẩy lui ngay lập tức đợt tấn công thứ nhất”.

Nghĩ còn có thời gian để nghỉ ngơi, một trong các quân nhân Ukraine, binh nhất Ihor Tretiak, 38 tuổi (sử dụng hô hiệu là Terminator) tới bên boong-ke để làm ấm bàn chân. Molodykh cùng pha trà với Tretiak.

Tuy nhiên, 2 thành viên khác của đội này, vẫn đang ở bên ngoài, đột nhiên báo động.

Kế đó, đạn và lựu pháo tới tấp phóng tới các con phố quanh ngôi nhà hoang. Hai binh nhất kể lại, họ bị ghim lại trong boong-ke và phải bắn trả lại khoảng 15 - 20 lính Nga đang tấn công họ. Binh nhất Molodykh bắn gục một lính Nga xông vào boong-ke. Người lính Nga đổ gục xuống lối vào căn hầm.

Binh lính Nga đã bắn chết 2 đồng đội của Molodykh đang ở bên ngoài căn hầm, vào ngày 14/12.

Trong 3 ngày tiếp theo, binh nhất Molodykh và Tretiak tiếp tục đẩy lui các đợt công kích của quân Nga. Tretiak bị thương do các mảnh lựu đạn găm vào cả 2 chân. Tay phải của anh ta cũng bị một viên đạn xé toạc. Tretiak đành tập trung vào nạp đạn cho đồng đội.

Vào ngày thứ 4, quân Nga gây nổ, làm lối đi vào hầm bị bịt kín, khiến 2 người lính Ukraine bị nhốt ở bên trong.

Nỗ lực chạy trốn với hy vọng sống sót

Bên trong căn hầm, một phòng chỉ rộng 3,6m mỗi chiều, phòng còn lại thậm chí còn nhỏ hơn. Hai người lính Ukraine mau chóng hết đạn và không còn phương tiện để liên lạc với bên ngoài.

Molodykh kể lại: “Chúng tôi chỉ ăn một lần trong ngày. Nửa hộp thịt hộp hoặc một ít cháo”.

Sau 2 tuần cầm cự như vậy, Tretiak xác định rằng nếu không chạy thoát khỏi đây, anh ta sẽ chết do các vết thương.

Tretiak tự nhủ, hoặc là phải rời đi ngay, hoặc là cả hai cùng chết. Tretiak cũng xác định, nếu ló ra ngoài và bị quân Nga bắn gục thì dù sao cũng nhanh gọn hơn so với chết vì đói khát.

Trong khi đó, Molodykh quyết định ở lại.

Tretiak phát hiện điểm yếu trong số thanh dầm đã bị gãy của trần hầm. Anh gạt chúng sang một bên, phủi đất cát và trèo ra.

Ngay sau đó, Molodykh nghe thấy “vài tràng súng tiểu liên vang lên” và anh nghĩ tới kịch bản tồi tệ nhất. Molodykh kể lại, “tôi nghĩ anh ấy đã bị giết chết”. Phải mãi tới hơn 3 tuần sau đó, Molodykh mới biết đồng đội của mình vẫn sống sót.

Về phần mình, khi Tretiak vừa trồi lên khỏi căn hầm, trong tích tắc anh ta được hít hà không khí trong lành lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ. Rồi tiếng súng rộ lên. Anh ta lao mình xuống một hố đất gần đó, xương vai bị trật sau cú bổ nhào đó.

Tiếp đó, Tretiak di chuyển qua những con phố hoang của thị trấn, cố gắng tìm thấy các binh sĩ Ukraine khác trước khi bị quân Nga phát hiện. Có lúc Tretiak phải giả chết khi có một chiếc UAV xoay vòng trên đầu. Chiếc UAV tiến rất sát, Tretiak vẫn không nhúc nhích. Đến khi tiếng vù vù của cánh quạt UAV nhỏ dần đi, Tretiak mới đi tiếp, bới tìm thức ăn và nước uống trong những ngôi nhà hoang.

Đến ngày thứ 2 từ khi rời khỏi hầm, Tretiak thấy một quân nhân tiến lại. Thoạt tiên, Tretiak nghĩ đó là lính Nga và chắc mẩm “thế là toi mình rồi”. Nhưng may cho Tretiak, đó lại là lính Ukraine.

Lay lắt trong căn hầm

Tại boong-ke, binh nhất Molodykh tiếp tục ẩn mình trong bóng tối khi đồng đội đã rời đi và mặt đất xung quanh anh ta rung lên vì những tiếng nổ liên tiếp.

Một đêm nọ, Molodykh nghe thấy lính Nga phía trên bàn cách xử lý anh ta, như bằng phương pháp phóng hỏa căn hầm, để tránh nguy hiểm khi phải tự xới tung căn hầm lên.

Cuối cùng Molodykh cũng cạn lương thực. Lúc đó, anh ta phải thò cánh tay bị thương qua khe hở mà Tretiak từng dùng để trốn ra ngoài, hứng lấy tuyết để có nước uống. Molodykh chuẩn bị chết dần.

Molodykh kể lại: “Không gian phía trước mắt tôi tối sầm lại. Tôi gần như mất nhận thức”.

Rồi sau đó mọi thứ yên lặng. Trong 2 ngày liền, Molodykh không nghe thấy tiếng lính Nga. Tiếng bom đạn bên ngoài cũng ngớt dần.

Vào lúc 8h sáng 23/1/2024, Molodykh nghe thấy ai đó gọi tên mình.

Một binh nhất Ukraine khác, hô hiệu là Gerych, cho biết quân Nga vừa bị đánh bật khỏi khu vực này sau một cuộc trận huyết chiến.

Lính quân y Sergeant Anatolii, phụ trách điều trị cho Molodykh, nói rằng người lính vừa được cứu khỏi boong-ke chỉ còn da bọc xương với tinh thần suy kiệt.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Molodykh được giải cứu, thị trấn Avdiivka thất thủ và quân Nga xông vào kiểm soát nhiều vị trí phòng ngự, bao gồm cả boong-ke của Molodykh và Tretiak.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch. Nguồn: New York Times - 25/3/2024

https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nghet-tho-canh-linh-ukraine-chong-choi-quan-nga-vay-xung-quanh-boong-ke-post1084802.vov