Một nhóm nhà thiên văn học đa quốc gia do WIS dẫn đầu đã chụp được một siêu tân tinh (supernova) vô cùng hiếm gặp, qua đó vẽ nên "bức tranh" chi tiết chưa từng có về siêu tân tinh này.
Ngày 27/3, Viện Khoa học Weizmann (WIS) của Israel cho biết một nhóm nhà thiên văn học đa quốc gia do WIS dẫn đầu đã chụp được một siêu tân tinh (supernova) vô cùng hiếm gặp, qua đó vẽ nên "bức tranh" chi tiết chưa từng có về siêu tân tinh này.
Siêu tân tinh là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời, xảy ra trong giai đoạn cuối quá trình tiến hóa của các sao có khối lượng lớn.
Sự kiện này thường kết thúc bằng vụ nổ lớn, đánh dấu sự hủy diệt của một ngôi sao. Những vụ nổ siêu tân tinh là một trong những lý do khiến các nhà thiên văn học cho rằng vạn vật đều được tạo ra từ bụi sao.
Theo bài viết đăng tải trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để chứng kiến trong thời gian thực một trong những siêu tân tinh gần nhất trong nhiều thập kỷ, đó là một ngôi sao siêu khổng lồ màu đỏ phát nổ trong thiên hà Messier 101 lân cận.
Đây là lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi chặt chẽ một siêu tân tinh khi ánh sáng của nó phát ra từ vật chất xung quanh nơi ngôi sao phát nổ. Sau đó, họ thu thập dữ liệu từ thời điểm nó còn là một ngôi sao siêu khổng lồ màu đỏ để tạo ra bức tranh đầy đủ nhất về siêu tân tinh.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một khoảng trống, được cho là một hố đen giữa khối lượng vật chất thoát ra từ ngôi sao trong vụ nổ và khối lượng ban đầu của nó.
Các nhà thiên văn học kết luận rằng nghiên cứu này mang đến cơ hội "có một không hai" để hiểu rõ hơn về cơ chế dẫn đến sự kết thúc vòng đời của một ngôi sao và sự hình thành của một thứ gì đó hoàn toàn mới./.
Theo (Vietnam+) – 28/3/2024
https://www.vietnamplus.vn/buc-tranh-day-du-nhat-ve-sieu-tan-tinh-vo-cung-hiem-gap-post937012.vnp