Cập nhật: 01/04/2024 16:29:00
Xem cỡ chữ

Tham gia thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật cần quy định rõ cơ quan ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời cho rằng trách nhiệm ban hành thuộc về Bộ Tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sáng 1/4. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 1/4, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, đã sửa đổi căn bản, khá toàn diện Luật Công chứng năm 2014 và đã bám sát các nhóm chính sách khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Góp ý vào nội dung cụ thể, về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết công chứng là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đồng thời cũng là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản.

Về nguyên tắc, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối. Trước đây, những loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có quy hoạch, tuy nhiên theo Luật Quy hoạch 2017, ngoài trừ điện thì các loại sản phẩm dịch vụ, hàng hóa khác đều đã bị bỏ quy hoạch. Do đó, không còn quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.

Cần quy định rõ cơ quan ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, đã sửa đổi căn bản, khá toàn diện Luật Công chứng năm 2014. (Ảnh: DUY LINH)

“Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chung thì vai trò là gì, phải có chiến lược, định hướng phát triển của ngành nghề này trong từng giai đoạn”, Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nêu rõ, những trường hợp sản phẩm dịch vụ, hàng hóa đã bỏ quy hoạch thì Bộ giúp Chính phủ quản lý chuyên ngành phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để các địa phương có căn cứ triển khai.

Trong dự thảo Luật có đề cập tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhưng không nói rõ là cơ quan nào ban hành. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trách nhiệm ban hành này thuộc về Bộ Tư pháp. Bộ tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này thì đầu tiên phải là tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

“Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác, không chỉ quản lý bằng quy hoạch như trước đây”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với vai trò của tổ chức nghề nghiệp, dự thảo Luật đã có quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên. Chủ tịch quốc hội đề nghị nên nghiên cứu để có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý công chứng viên, theo hướng dần dần Nhà nước nên có quá trình chuyển giao cho hội nghề nghiệp.

Về bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn điều về tiết lộ nội dung thông tin. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 7 có nêu hành vi bị nghiêm cấm: “tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc này không phù hợp với Bộ luật Dân sự, bởi thông tin trên văn bản công chứng không chỉ liên quan đến người yêu cầu công chứng mà còn liên quan đến nhiều đối tượng khác, có thể hai bên hoặc nhiều bên.

“Về nguyên tắc, trong Bộ luật Dân sự, mọi bí mật về riêng tư là không được xâm phạm. Nếu chỉ cần người yêu cầu công chứng cho phép đồng ý bằng văn bản thì có thể tiết lộ thông tin, như vậy quyền riêng tư của người khác thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Cần quy định rõ cơ quan ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng ảnh 2

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung quy định liên quan đến công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, chỉ quy định thẩm quyền của công chứng viên đối với việc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Theo pháp luật hiện hành, công chứng viên ngoài việc chứng thực chữ ký người dịch còn có trách nhiệm xác định nội dung bản dịch chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo luật hiện nay, bản dịch giấy tờ, văn bản sẽ chỉ còn có thể chứng thực chữ ký người dịch, người dịch sẽ chịu trách nhiệm đối với nội dung bản dịch. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần rà soát kỹ các quy định pháp luật của Việt Nam và của các quốc gia khác, yêu cầu phải có công chứng bản dịch bảo đảm chắc chắn người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở các nước khác.

Về quyền lợi, nghĩa vụ của công chứng viên liên quan đến công chứng điện tử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, việc triển khai công chứng điện tử đòi hỏi phải liên thông giữa các cơ sở dữ liệu của quốc gia đã và đang triển khai.

Để thực hiện tốt, triển khai thuận lợi công chứng điện tử, công chứng viên phải có quyền khai thác, truy xuất thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng của công chứng viên trong việc bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin truy cập trong quá trình công chứng điện tử, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật đã tích cực, khẩn trương tổ chức việc thẩm tra, có báo cáo thẩm tra sơ bộ với nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sau khi xem xét đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu dự họp, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Theo nhandan.vn - 01/04/2024

 https://nhandan.vn/can-quy-dinh-ro-co-quan-ban-hanh-tieu-chuan-dieu-kien-thanh-lap-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-post802613.html